Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Tất cả các công trình xây dựng tại TP đều thích ứng với động đất

Xung quanh một số thông tin cho rằng, các công trình xây dựng ở TPHCM chưa tính đến việc thích ứng với động đất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, để tìm câu trả lời.

Thích ứng với động đất: Đã trở thành quy định của pháp luật

- PV: Xin ông cho biết các công trình xây dựng tại TPHCM thời gian qua có áp dụng quy chuẩn về thích ứng động đất hay không?

- Ông NGUYỄN VĂN HIỆP: Bộ Xây dựng đã ban hành Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 375 (TCXDVN- 375) năm 2006 quy định về thiết kế công trình chịu động đất. Theo quy định, tất cả các công trình xây dựng đều phải tính đến việc thích ứng với động đất. TPHCM cũng không ngoại lệ, tất cả các công trình, tôi nhấn mạnh là tất cả chứ không chỉ riêng các tòa nhà cao tầng đều phải đáp ứng yêu cầu này với mức độ khác nhau căn cứ vào bản đồ phân vùng động đất của Bộ Xây dựng.

Một công trình nói chung, khi thiết kế, ngoài trọng lượng công trình và trọng lượng các thiết bị ra còn phải tính đến việc chịu 2 lực đẩy ngang, đó là lực gió bão và động đất (2 lực này thường không xảy ra đồng thời, có gió bão thì không có động đất và ngược lại). Giữa hai lực đó, nhà thiết kế sẽ phải chọn lực nào nguy hiểm để ưu tiên tính toán. Về cơ bản, một công trình xây dựng nói chung, khi thiết kế đều đã được tính toán đến tiêu chí chống gió giật 83 DaN/m2, tức là tương đương bão cấp 12.

Chỉ có điều, đối với các công trình xây dựng do các nhà thầu nước ngoài xây dựng, Bộ Xây dựng cho phép thiết kế theo tiêu chuẩn của nước họ với điều kiện tiêu chuẩn ấy hiện đại, tương thích được với điều kiện xây dựng tại Việt Nam. Nếu các nhà thầu Nhật Bản chọn theo thiết kế với tiêu chuẩn thích ứng với động đất của Nhật thì rất khắt khe. Những công trình do Nhật Bản viện trợ tại Việt Nam đa phần đều được tính toán đến việc thích ứng với động đất rất cao.

- Nếu đã có bản đồ phân vùng động đất của Bộ Xây dựng để làm cơ sở thiết kế xây dựng công trình trên toàn quốc thì có cần phải có một bản đồ phân vùng động đất cho riêng TPHCM không, thưa ông?

- Việc phân vùng động đất cho từng khu vực càng chi tiết càng tốt. Tuy nhiên, theo bản đồ phân vùng động đất của Bộ Xây dựng, TPHCM nằm trong khu vực ảnh hưởng động đất thấp, nên nhu cầu lập bản đồ phân vùng động đất nhỏ cho riêng TPHCM chưa cao. Hơn nữa, trong TCXDVN- 375, Bộ Xây dựng đã phân vùng động đất cụ thể cho từng quận- huyện tại TPHCM rồi. Theo quy định, các công trình xây dựng ở TPHCM đều được thiết kế chịu động đất cấp VII theo thang MSK-64. Khi tính toán cường độ động đất vào công trình xây dựng, người ta không tính theo độ richter (được đo ngay tâm chấn tại chỗ xảy ra động đất) mà tính theo thang MSK- 64 (nhỏ hơn nhiều so với độ richter). Mỗi quận - huyện đều có mức độ bị ảnh hưởng riêng, việc phân vùng động đất này là để tùy từng quận - huyện mà tính toán, áp dụng cho từng công trình vì nếu áp dụng vô tội vạ, suất đầu tư cao và gây nên lãng phí.

TPHCM: chưa có thiệt hại do động đất

- Với những trận động đất đã xảy ra tại TP mấy năm qua, đã có công trình xây dựng nào bị ảnh hưởng không, thưa ông?

- Sau mỗi trận trận động đất, TP đều kiểm tra lại một số tòa nhà cao tầng và một số chung cư cũ song đa phần chúng chỉ bị rung lắc, nên chưa có công trình nào bị hư hại. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đang triển khai chương trình xây dựng chung cư mới để thay thế các chung cư cũ đã hư hỏng. Theo chương trình này, ở các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền các quận - huyện phải có trách nhiệm di dời người dân đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

- Chi phí thiết kế cho việc thích ứng với động đất có cao không, thưa ông?

- Không có một tỷ lệ nhất định để áp dụng cho việc thích ứng với động đất của tất cả công trình mà tùy công trình cao hay thấp, mảnh hay dày mà suất đầu tư có thể tăng 5 - 50% tổng kinh phí đầu tư. Các tư vấn thiết kế sẽ giúp chủ đầu tư so sánh phương án và tìm giải pháp thích ứng với động đất trên cơ sở quy định của Bộ Xây dựng một cách hợp lý nhất.

- Cơ quan nào sẽ kiểm tra, giám sát việc xây dựng công trình thích ứng với động đất?

- Về nguyên tắc, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra công tác này. Thế nhưng, chính các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu phải tự giác và phải tự chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định xây dựng thích ứng với động đất. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không thể kiểm tra hết các công trình xây dựng vì trên địa bàn TP có rất nhiều công trình. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng cần phải có cơ chế ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư công trình trong việc mua bảo hiểm công trình và mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3 với những mức phù hợp. Ngoài ra, để đảm bảo các công trình xây dựng áp dụng đúng tiêu chuẩn về thích ứng với động đất còn cần sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, đặc biệt là sự giám sát của các hội nghề nghiệp, trong đó có các công ty bảo hiểm… là những “cánh tay” nối dài của Nhà nước về quản lý chất lượng.

Tóm lại, chất lượng công trình là phải do các đơn vị giám sát, thi công, nhà thầu và chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra chứ không làm thay được.

Hạnh Nhung thực hiện

Tin cùng chuyên mục