
(SGGP).- Cuộc họp diễn ra vào lúc 19 giờ một tối tháng 10-2008, với sự tham dự của UBND phường 1 quận 6 TPHCM, Ban điều hành khu phố 1 và đại diện các hộ dân thuộc tổ dân phố 4. Nội dung: Bầu tổ trưởng mới thay cho ông Tân Tiểu Đệ, vì ông Đệ đã chuyển sang cư ngụ tại quận Bình Tân. Cuộc họp không đạt kết quả vì toàn bộ các hộ dân trong tổ nhất quyết không cho tổ trưởng Đệ từ chức!
Vụ “từ chức” bất thành
“Tụi tui hổng chịu đâu, chỉ tín nhiệm Đệ làm tổ trưởng thôi. Mấy nị (tức chính quyền phường - PV) tính sao để Đệ được làm đi”, mọi người đề nghị. Thật ra, không chỉ người dân mà ngay UBND phường và khu phố cũng rất cần sự góp sức của ông Đệ trong công tác ở cơ sở. Tất cả đi đến thống nhất: ông Đệ vẫn còn hộ khẩu tại phường 1 quận 6 nên vẫn được làm tổ trưởng tổ dân phố! Thế là, mỗi ngày vào khoảng 6 giờ 30 sáng, ông Đệ từ phường An Lạc A (quận Bình Tân) chở cháu nội đến Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (phường 1 quận 6) rồi quay về xóm cũ ở hẻm 167 Trần Văn Kiểu “đi làm”… tổ trưởng.

Ông Tân Tiểu Đệ thăm hỏi một gia đình trong xóm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm nay 57 tuổi, ông Đệ “bén duyên” với “nghề” tổ trưởng tổ dân phố đã hơn 20 năm. Ngày trước, cũng như đa số cư dân trong hẻm, nhà ông Đệ rất nghèo, hai vợ chồng nuôi 4 người con bằng xe mì gõ. Gia cảnh khó khăn nhưng ông Đệ luôn giàu lòng tương thân tương ái đối với bà con chòm xóm.
Con hẻm cụt chỉ gồm 19 gia đình nhưng có đến 3 tộc của người Hoa – Tiều, Phúc Kiến, Quảng Đông – chung sống. Mỗi khi nhà nào có chuyện bất hòa, anh chị em xích mích thì ông Đệ luôn được mời đến làm “chuyên gia” khuyên giải.
Tân Tiểu Đệ được xem là người có duyên ăn nói, lời lẽ của ông khi nhu, khi cương nhưng dễ lọt lỗ tai. Chẳng hạn trường hợp gia đình Quách Thuận Như (số 167/11 Trần Văn Kiểu), cha mẹ mất sớm chỉ còn lại mấy anh em. Thuận Như làm nghề bốc xếp tại các kho hàng trên bến Trần Văn Kiểu, nghe bạn bè rủ rê nên nghiện hút. Sau khi cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, Như bị bệnh lao hạch không còn khả năng lao động. Thoạt đầu, các anh của Như đều né tránh trách nhiệm chăm lo cho em, ai cũng bảo rằng mình khó khăn.
Ông Đệ đến gặp từng người phân tích: “Mấy anh ai cũng đi làm, có công ăn việc làm sao lại nói là không có tiền? Không có tiền mà chiều tối nào cũng rủ nhau nhậu là sao? Hàng xóm là người dưng mà người ta còn thương và giúp cho thằng Như, mình là máu mủ ruột thịt sao lại không thấy xót?”. Cách nói như xát muối nhưng mấy người anh của Như đều “thấm ý” và cùng nhau đóng góp để chăm sóc Như cho đến khi cậu qua đời, vào cuối năm 2008.
“Tổng đài điện thoại Tân Tiểu Đệ”
“A lô, chú Đệ ơi, chú ghé phường lấy kế hoạch vận động quỹ an ninh quốc phòng về triển khai trong tổ nha!”. “A lô, anh Đệ phải không, anh nhắc cô Yến ở hẻm 167 nộp ngay hồ sơ xin vay vốn xóa đói giảm nghèo để ủy ban phường duyệt danh sách há”. “Quẩy (tức “a lô” theo tiếng Hoa - PV). Đệ hả, nị nói phường xuống xem liền đi, bên làm đường Đông Tây để cát bít cống thoát nước rồi” v.v…
Có người nói vui là tổ trưởng Tân Tiểu Đệ giống “tổng đài điện thoại”, quả không sai! Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, không chỉ UBND phường, khu phố mà cả các hộ dân trong tổ dân phố 4 đều “a lô” cho ông khi cần. Năm 2003, ông Đệ làm phiên dịch cho một công ty của Đài Loan (Trung Quốc) có trụ sở ở khu Thuận Kiều (quận 5). Lúc này, ông Đệ chuyển cho ông Phùng Duy Tháo làm tổ trưởng.
Rồi ông Tháo chuyển nhà sang nơi khác, ông Đệ lại trở về “nghề tay trái”. Công việc tổ dân phố như có con mọn, đang làm việc, họp hành ở công ty mà cứ “được” phường réo gọi nhờ về giúp. Trong tổ hầu hết là người Hoa nên thông qua “phiên dịch” của Tân Tiểu Đệ, bà con mới hiểu tường tận các chủ trương chính sách của Nhà nước. Thấy phường cần, dân cần, ông Đệ quyết định nghỉ việc để làm… tổ trưởng!
Nói ra thì khó tin nhưng đó là sự thật. Công việc ông đang làm có lương và phụ cấp tròm trèm 2 triệu đồng/tháng, còn tổ trưởng tổ dân phố thì chỉ được phụ cấp… 250.000 đồng/tháng. Giải thích lý do vì sao lại “dại dột” như thế, ông Đệ nói đơn giản: “Hồi trước nhà nghèo lắm, chạy ăn từng bữa. Nhờ hội phụ nữ phường hướng dẫn, cho vợ tui vay 30 triệu đồng để làm ăn. Các con tui học nghề sửa chữa điện tử, dần dần dành dụm, đến giờ đều đã có cơ sở mua bán, kinh doanh. Tui không còn phải lo kinh tế gia đình nữa, chính quyền giúp mình thì mình góp lại chút công sức, cũng là giúp cho bà con chòm xóm thôi mà”.
PHONG LAN