Như Báo SGGP đã phản ánh, trong 4 hướng phát triển đô thị: Đông, Bắc, Tây, Nam của TPHCM, người dân có xu hướng tập trung chọn nơi “an cư” ở các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… thuộc các hướng Bắc và Tây - 2 hướng phụ trong 4 hướng phát triển nêu trên. Thực tế này đã đặt ra nhiều thách thức trong phát triển đô thị của thành phố. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, về vấn đề này.
Thực hiện đúng quy hoạch
Ông Trần Chí Dũng
- PV: Ông nhận định như thế nào về sự lệch pha trong quyết định chọn lựa nơi “an cư” của người dân với định hướng phát triển đô thị chính của thành phố?
>> Ông TRẦN CHÍ DŨNG: Trước hết phải khẳng định, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025, TPHCM sẽ phát triển đô thị ra cả 4 hướng. Do vậy, về nguyên tắc, sự phát triển đô thị về 2 hướng phụ không sai về quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua đã có hiện tượng tập trung đông dân cư, và tăng dân cư nhanh tại các khu vực quận ven, đặc biệt tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. 10 năm qua, quy mô dân số ở hai địa phương này đã tăng gấp đôi. Trước thực tế trên, thành phố cần phải có giải pháp thích hợp trong quy hoạch, quản lý đô thị, tập trung nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các khu vực này. Trong đó, chú trọng phát triển dự án xây dựng các khu dân cư cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khả thi giai đoạn trước mắt nhưng phải phù hợp với phát triển lâu dài của đô thị. Hiện nay cơ bản TPHCM đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương có kế hoạch quản lý và đầu tư phát triển đô thị hiệu quả hơn.
- Thưa ông, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 mới dừng lại ở các quy định chung về chức năng cho các khu đất, trong khi đó nhiều địa phương cho biết, họ cần các quy định chi tiết hơn như việc dành đất cho giao thông, cây xanh… để tránh trường hợp hình thành nên các khu dân cư không còn đất làm đường, làm hệ thống cống thoát nước… như đã xuất hiện ở nhiều quận, huyện ven?
Cùng với các đồ án quy hoạch chung, các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, còn có nhiều công cụ khác để quản lý đô thị như quy định cung cấp thông tin quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị…, các quy chế về quản lý không gian kiến trúc, quy định về tách thửa, quy định về cấp phép xây dựng tạm… Các quận, huyện có thể nghiên cứu, tham khảo để thông tin cho người dân biết.
Để tồn tại, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh
- Ông có nghĩ rằng, người dân không đến sinh sống nhiều ở hai hướng phát triển chính của TPHCM vốn đã được đầu tư nhiều về hạ tầng kỹ thuật, sẽ là sự lãng phí chung cho thành phố?
Hiện nay Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TPHCM và nhiều bộ ngành liên quan đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp, xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ công nhân viên, sinh viên… Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản ở TPHCM nói chung và ở hai hướng phát triển đô thị chính của thành phố nói riêng đã tích cực tham gia các chương trình này. Do đó, sự tồn tại và phát triển của chính doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án bất động sản ở khu Nam và khu Đông sẽ phải điều chỉnh, tiết giảm chi phí để đưa ra giá thành nhà đất phù hợp với sức chi trả của người dân. TPHCM đã đầu tư hạ tầng, giao thông thuận tiện, xây dựng nhiều khu dịch vụ đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp ở các hướng phát triển của thành phố theo hướng đồng bộ, hiện đại… trên cơ sở phù hợp với tiến trình phát triển đô thị theo từng giai đoạn đã được phê duyệt. Đây sẽ là một trong những yếu tố hấp dẫn người dân đến sinh sống và làm việc ở các khu đô thị mới của thành phố.
Thời gian qua nhiều hộ dân đổ dồn về cư ngụ tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (Ảnh một khu dân cư tại quận Bình Tân). Ảnh: CAO THĂNG
- Với những người dân đã an cư ở các hướng phát triển đô thị phụ, bao giờ thành phố sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách tương xứng, thưa ông?
Đề án quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt, xác định rõ các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xây dựng trong giai đoạn từ nay đến 2015 và các giai đoạn tiếp theo đến năm 2020. Những công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị này phải tương ứng với các vùng phát triển đô thị và phải đầu tư xây dựng trước với quy mô đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài của thành phố. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, TPHCM đang huy động nhiều nguồn lực không chỉ từ nguồn vốn ngân sách mà còn từ nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa - thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ các khoản vay ODA…
Bên cạnh yêu cầu đầu tư mạnh mẽ vào các khu đô thị mới ở các khu vực trọng điểm như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, thành phố còn xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu vực đô thị Tây Bắc, các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật lớn cho các khu vực phía Tây Nam, Tây Bắc thành phố. Như vậy, trong tương lai không xa, thành phố chúng ta sẽ phát triển một cách đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
HOÀNG YẾN thực hiện