OPEC khó có thể nâng giá dầu

Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, khi dẫn dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang có xu hường đi xuống bất chấp dự báo lạc quan của OPEC.

Vẫn có rủi ro

Báo cáo của OPEC cho hay cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, không thay đổi so với những mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.

Tiếp xăng tại cây xăng ở TP Riverside, bang California, Mỹ
Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các nước tiêu thụ chủ chốt và một số yếu tố quan trọng khác như khả năng nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn địa chính trị dịu bớt hơn. Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, ghi nhận mức sản lượng 11,05 triệu thùng/ngày trong tháng 8-2022, tăng so với mức 10,8 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.

Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cũng cho rằng triển vọng cầu dầu mỏ thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của đại dịch Covid-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

OPEC dự báo nhu cầu dầu tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của các nền kinh tế ngoài OECD dự kiến là 1,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu cũng có thể ảnh hưởng xấu đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Hồi tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay, so với dự báo 3,6% được định chế tài chính đa phương quốc tế này đưa ra vào tháng 4.

Giá dầu tiếp tục giảm

Ngay sau khi OPEC công bố báo cáo dự báo tăng trưởng dầu mỏ toàn cầu ổn định, giá dầu thế giới tiếp tục giảm 1%. Bên cạnh đó, sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, lạm phát của Mỹ đã bắt đầu giảm bớt và có dấu hiệu trở lại mức bình thường. Vào tháng 8, lạm phát đã giảm xuống 8,1%, thấp hơn mức cao nhất 4 thập kỷ 8,5% vào tháng 6. Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao về giao dịch BOK Financial, cho biết FED có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, điều này có thể gây ra tâm lý  rủi ro đối với dầu thô và tăng thêm sức mạnh cho USD. FED dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ 3 liên tiếp khi nhóm họp vào 2 ngày 13 và 14-9. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang ngày càng tin tưởng rằng lạm phát sẽ còn giảm hơn nữa nhờ giá dầu và khí đốt giảm. Theo một cuộc khảo sát hôm 12-9  từ Cục Dự trữ liên bang tại New York, lạm phát của Mỹ dự kiến sẽ ở mức trung bình 5,7% trong cả năm 2023 và giảm xuống 2,8% trong 3 năm kế tiếp nhờ giá dầu giảm.

Giá dầu và khí đốt tăng cao đã gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, từ giao thông vận tải đến sản xuất. Do đó, sự đảo ngược quỹ đạo giá dầu cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, công bằng mà nói, giá dầu chỉ là một phần của nguyên nhân gây ra lạm phát đang hoành hành ở Mỹ. Nguyên nhân chính là sự đình trệ của chuỗi cung ứng lan rộng toàn cầu cùng chi phí sản xuất cao do đại dịch và hàng loạt các gói cứu trợ của chính phủ.

Tin cùng chuyên mục