Công nghiệp ô tô Trung Quốc - Con đường dẫn đến thành công

Kỳ 3: Thực trạng, tương lai ô tô Trung Quốc

Thông tin liên quan
Kỳ 3: Thực trạng, tương lai ô tô Trung Quốc

Với tổng thu nhập quốc dân chỉ đứng sau Mỹ, rõ ràng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc kinh tế trong tương lai. Và ngành công nghiệp ô tô nước này không nằm ngoài quy luật phát triển như vũ bão đó.

  • Điều tiết bằng chính sách
Kỳ 3: Thực trạng, tương lai ô tô Trung Quốc ảnh 1

Sau 1 năm khởi động, dây chuyền sản xuất ô tô, Lifan đã cho ra đời dòng xe Lifan 520.
Ảnh: T.L.

Trước khi đánh giá tương lai và bản chất của công nghiệp ô tô Trung Quốc, chúng ta cần phân tích thành phần các doanh nghiệp ở đây, để phân biệt rõ đâu là công nghiệp ô tô “vay mượn” (nằm trong các liên doanh) và đâu là những thành quả thực tế.

Thị trường ô tô Trung Quốc do chính phủ kiểm soát và được điều tiết bởi những chính sách mà các hãng xe nước ngoài vẫn thường đánh giá là phức tạp và “nhiều cạm bẫy”. Tại Trung Quốc có khoảng 100 nhà sản xuất ô tô lớn khác nhau với đủ các loại từ trung ương tới địa phương cấp tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, 90% thị phần ô tô khổng lồ ở đây lại thuộc về 8 công ty nhà nước lớn (liên doanh với nước ngoài) và 10% dành cho hơn 90 nhà sản xuất còn lại.

Đây là một thực tế để có những đánh giá khách quan nhất về công nghiệp ô tô nước này, bởi không phải chỉ cần sản xuất được xe là đã thành công. 8 hãng xe lớn trong nước đó là FAW, SAIC, Changan, Dongfeng, Guangzhou AIC, Beijing AIC, Nanjing AIC, Brilliance AIC. Tất cả các hãng lớn trong nước đều chọn các hãng lớn nước ngoài để liên doanh như Toyota, Volkswagen, Mazda, General Motor, Ford, Suzuki, Peugeot Citroen, Honda, Nissan - Renault, Kia, Daimler Chrysles, Hyundai, Fiat, BMW.

Tám hãng trên là những liên doanh với hầu hết các hãng lớn trên thế giới từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á. Nó được đánh giá là “mồi nhử hấp dẫn” mà các ông lớn khó lòng từ chối để rồi bị “sao chép” công nghệ mà không thể làm gì được.

Số hơn 90 công ty còn lại là những hãng độc lập trong nước (không có vốn đầu tư nước ngoài). Ban đầu, những công ty này sản xuất xe máy, sau đó chuyển dần sang sản xuất ô tô. Ngoài ra, còn một bộ phận được thành lập nhờ nguồn vốn lấy từ các ngành công nghiệp khác (như điện) hoặc do các công ty sản xuất thiết bị phụ trợ tự lắp ráp cho mình.

Trong số hơn 90 công ty này tuy không có hưởng lợi thế liên doanh nhưng vẫn ngang ngửa với các hãng tên tuổi như Southeast, Chery, Geely, GreatWall, Zhongxin, Jianghuai, Hafei. Nếu các hãng liên doanh có vai trò “câu kéo” đối thủ thì những tên tuổi như Chery, Geely, GreatWall, Zhongxin, Jianghuai ngay từ khi thành lập đã đặt ta mục tiêu “sang châu Âu và Mỹ một cách sớm nhất có thể”.

Thừa hưởng công nghệ từ những nhà sản xuất hàng đầu, Geely và Chery lên kế hoạch xuất xe sang Mỹ vào năm 2007. Đây không phải là điều hoang tưởng bởi trên thực tế, vùng Đông Âu, châu Phi đã là những thị trường quen và khá lớn của hai hãng này.

  • Chỉ chờ thời cơ

Tiềm lực mạnh, tuy nhiên mọi chuyện dường như chưa chín muồi. Hiện tại, các hãng xe Mỹ và châu Âu đang thở phào và có thể tận hưởng cảm giác này một thời gian nữa khi mà các sản phẩm ô tô Trung Quốc vẫn chưa vượt qua hàng rào chất lượng.

Đa số các mẫu xe mà Chery, Geely mang sang thử nghiệm ở Mỹ không đạt yêu cầu về môi trường cũng như độ an toàn. Vì vậy, cả hai có thể phải mất vài ba năm nữa mới có hy vọng thâm nhập thành công những thị trường lớn này. Thế nhưng, dù có lạc quan mấy, các chuyên gia phân tích thị trường ở Mỹ cũng chỉ dám viết “ô tô Trung Quốc tạm thời chưa thể sang Mỹ” (tít của tạp chí công nghiệp nổi tiếng Detnews, Mỹ).

Điều này chứng tỏ rằng ô tô Trung Quốc vẫn là nguy cơ tiềm tàng đối với bất cứ hãng nào trên thế giới, không chỉ ở Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và dần thể hiện rõ hơn tham vọng của mình. Nhiều nhà sản xuất nước này đang lùng sục để mua lại các nhà máy gần như đã “chết” của những tập đoàn lớn.

Hành động này được lý giải với hai nguyên nhân chính. Một là do Trung Quốc muốn tranh thủ công nghệ cũ để giảm giá thành. Thứ hai, do các liên doanh không sơ hở như trước nên việc “liên doanh” để tiếp cận công nghệ sản xuất khó khăn hơn, nên tốt nhất họ chọn giải pháp đi mua. Đi đầu trào lưu này là Lifan khi sang tận Brazil mua nhà máy của BMW.

Tiếp theo là Chery quyết định mua lại nhà máy đã đóng cửa của Volkswagen tại Westmoreland (Mỹ) và tái thiết nó ở quê hương. Từ những công nghệ và dây chuyền mua được, Chery sẽ cho ra đời những chiếc xe theo thiết kế của hãng Seat dựa trên nền mẫu Jetta nổi tiếng.

Theo các nhà phân tích, từ những bước đi được tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, không sớm thì muộn ô tô nước này sẽ trở thành thế lực đáng kể trên thế giới. Tạp chí The True About Cars (Mỹ) còn đưa ra viễn cảnh: “Những ông lớn như GM và Ford sẽ phải chiến đấu với Chery, Geely ngay tại Mỹ, Volkswagen sẽ phải về châu Âu phòng thủ, còn Honda và Toyota mất hẳn thị trường tiêu thụ lớn”.

Từ đây để báo trước rằng ô tô cuối cùng chẳng khác nào quần áo, giầy dép, một khi Trung Quốc đã động tay vào, thì cái gì cũng có thể sản xuất hàng loạt với giá rẻ bất ngờ nhưng chất lượng không thua kém.

NGHĨA NHÂN 

Thông tin liên quan

- Kỳ 1: Thời kỳ… “bòn rút” công nghệ

- Kỳ 2: Phát triển bằng nhân tài và công nghệ

Tin cùng chuyên mục