PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Để mạnh từ biển, giàu từ biển

Là người tâm huyết với việc xây dựng và áp dụng chính sách quản lý tổng hợp biển và hải đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng, chỉ có hội nhập và hợp tác Việt Nam mới thực sự trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Để mạnh từ biển, giàu từ biển

Là người tâm huyết với việc xây dựng và áp dụng chính sách quản lý tổng hợp biển và hải đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng, chỉ có hội nhập và hợp tác Việt Nam mới thực sự trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển.

  • Không gian sinh tồn của dân tộc

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi

* Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công soạn thảo, trình Chính phủ những cơ chế chính sách nhằm quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thành lập năm 2008 cũng không ngoài mục đích này. Từ đó đến nay, công tác quản lý biển đảo của chúng ta đã có những bước tiến như thế nào?

* PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI:
Xây dựng khung pháp lý để quản lý biển và hải đảo là câu chuyện dài, không thể hoàn thiện một sớm một chiều nhưng phải làm càng sớm càng tốt. Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên số một. Chưa nói cơ chế chính sách phải thường xuyên sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, bám sát tình hình thực tế, có như thế mới bảo đảm được lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích ngành và người lao động. Từ cách tiếp cận quản lý tổng hợp để tiến tới thống nhất quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phải coi biển và các mảng không gian trong nó là hệ thống tài nguyên chia sẻ, sử dụng cho nhiều ngành (đa ngành).

Thêm nữa, giá trị của nó không chỉ là con tôm, con cá và nguồn tài nguyên không tái tạo như dầu khí… mà biển còn là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Hiện đã có không ít văn bản chính sách và pháp luật về quản lý nhà nước theo ngành (thủy sản, hàng hải, dầu khí, du lịch, các cơ quan chấp pháp trên biển khác…) và chắc chắn để thống nhất quản lý nhà nước về biển, phải ban hành hệ thống chính sách quản lý biển tổng hợp và nguyên tắc quản lý biển theo không gian cùng với việc điều chỉnh ít nhiều các văn bản quản lý biển theo ngành nói trên.

Thực sự đến nay cách tiếp cận này chưa đi vào cuộc sống được nhiều dù rằng thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất bước đầu đã hình thành, vì vậy cần có cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả. Quản lý tổng hợp biển là cách mà các quốc gia biển tiên tiến đều áp dụng. Ngay từ năm 1972, Mỹ đã có bộ luật về vùng bờ biển theo hướng tiếp cận này; năm 1982, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã chia không gian biển và đại dương ra thành các vùng và xây dựng chế độ pháp lý cho từng vùng biển (trên bề mặt chia ra: vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng biển tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển công; dưới đáy có thềm lục địa và vùng đáy đại dương); năm 1992 chương trình nghị sự 21 của Liên hiệp quốc cũng đã dành chương 17 yêu cầu các quốc gia thực hiện quản lý biển và đại dương theo phương thức tổng hợp… Trung Quốc cũng đã ban hành khoảng 8 đạo luật về biển phục vụ quản lý biển tổng hợp.

Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ Phúc Nguyên 2 (Nhà giàn DK1) tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác tiềm năng của biển. Ảnh: CHIẾN DŨNG

Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ Phúc Nguyên 2 (Nhà giàn DK1) tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác tiềm năng của biển. Ảnh: CHIẾN DŨNG

* Vậy làm gì để nước ta trở thành quốc gia mạnh từ biển?

* Thực sự muốn trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển phải áp dụng thành công phương thức quản lý tổng hợp biển với một “chùm” cơ chế chính sách liên ngành, liên vùng nói trên; phải thống nhất quản lý nhà nước về biển và hải đảo; trình độ khoa học - công nghệ áp dụng không chỉ trong điều tra, nghiên cứu biển mà còn trong khai thác, sử dụng biển phải tiên tiến; khai thác, sử dụng không gian biển, đảo hiệu quả, có chọn lọc, tiết kiệm tài nguyên; đội hình ra biển phải được hiện đại hóa, không thể dắt đội quân “thuyền thúng ra biển” mà ngộ nhận mình là quốc gia mạnh từ biển được! Muốn có công nghiệp đánh bắt hải sản thực sự hiệu quả thì phương tiện, phương pháp đánh bắt cũng phải khác. Hệ thống quản lý, thông tin liên lạc cũng phải khác. Gọi mãi không biết nhau ở đâu giữa đại dương mênh mông ấy thì làm sao đón lõng, bắt được những đàn cá di cư đúng độ tuổi, đúng chất lượng!

  • Mở rộng hợp tác, hội nhập

* Liệu đó có là một “nhiệm vụ bất khả thi” trong điều kiện nguồn lực eo hẹp của chúng ta?

* Nếu chỉ nhìn vào “hầu bao” của mình thì đó là giấc mơ nhưng không ít nước bé mà giàu, nhỏ mà mạnh. Quan trọng như tôi vẫn nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể suy nghĩ để tận dụng lợi thế của “người đi sau”. Đó là sự thật. Tự làm ra công nghệ thì rất lâu, rất tốn kém, nhất là kiểu nghiên cứu khoa học như ta hiện nay nhưng chúng ta có thể làm chủ được công nghệ thông qua hợp tác, hội nhập thực sự và hiệu quả. Việt Nam hiện đã là quốc gia hội nhập quốc tế, đáp ứng khá tốt yêu cầu với tư cách là thành viên WTO, thành viên của Liên hiệp quốc, thành viên của UNCLOS 1982…

Ta tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách để sẵn sàng hội nhập quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực biển vì dấu ấn hội nhập và hợp tác quốc tế đối với biển vẫn còn mờ. Đảm bảo độc lập, chủ quyền là yêu cầu tiên quyết nhưng như thế không có nghĩa là “đóng cửa biển”! Và tất nhiên không thể nói “mở” chung chung mà phải chỉ rõ trên quan điểm quản lý không gian biển là chỗ nào có thể làm gì, theo cơ chế nào.

Khi chính sách tạo ra được điểm hài hòa về lợi ích, chúng ta nhất định sẽ có những đối tác tốt, đối tác mạnh, giúp chúng ta làm giàu. Chúng ta cần những cơ chế chính sách tốt, khôn ngoan, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có chứ không phải chỉ dựa vào tiền. Ta có cả một vùng biển rộng với vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào… Phải thực sự hội nhập, giống như khi bạn đứng ngoài nhìn dòng giao thông đông đúc kia rất ngại nhưng khi hòa vào dòng lưu thông đó, ta cũng sẽ thông minh ra, tìm ra cách đi riêng. Mà lợi ích trên biển Đông thì không chỉ của các nước bên bờ biển Đông!

Đà Nẵng vừa hạ thủy tàu hậu cần nghề cá tư nhân lớn nhất miền Trung. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đà Nẵng vừa hạ thủy tàu hậu cần nghề cá tư nhân lớn nhất miền Trung. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

* Còn những vụ tranh chấp cứ thỉnh thoảng lại xảy ra trên biển Đông, theo ông, có cách nào tránh được?

* Như tôi đã nói, một yêu cầu quan trọng là tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Nhưng cũng phải thấy rằng những tranh chấp ở nhiều mức độ khác nhau trên biển là rất khó tránh. Giải quyết câu chuyện biển Đông phải mất thời gian dài và cũng chỉ giải quyết được từng mảng chứ không tham vọng làm trọn gói được. Có chuyện phải giải quyết tay đôi, có chuyện phải giải quyết đa phương. Có chuyện cần kiên quyết, có chuyện cũng cần được xử lý một cách bình tĩnh, linh hoạt, tùy vào tình hình cụ thể. Có lần tôi đã viết một tiểu luận với tiêu đề “Bàn về đối tác, đối tượng trên biển Đông”. Trong đó, quan điểm của tôi là mối quan hệ ở đây không bất biến. Khi là đối tác, sau có thể là đối tượng. Khéo xử thì ta biến được đối tượng thành đối tác.

Cần nói thêm là ở đây cũng chẳng thể nói ai mạnh hơn ai, ai sẽ áp đảo ai. Nếu hành xử không tốt, có phần thái quá với nhau giữa các quốc gia láng giềng ở biển Đông chỉ vì những tham vọng ngắn hạn thì tất sẽ mắc sai lầm, nếu không nói là thất bại về lợi ích dài hạn, về mặt chiến lược… Vì thế, nên tăng cường đối tác để giảm đối đầu, nghiêm túc đàm phán hòa bình, cân nhắc để các bên đều có lợi theo UNCLOS 1982 và các thỏa thuận khu vực khác. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cũng rất rõ ràng và nhất quán về giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông. 

BẢO VÂN thực hiện

>> Phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” - Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Tin cùng chuyên mục