PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Phải xây dựng kế hoạch và có cơ chế để thực thi quy hoạch

Đô thị Tây Bắc

Là một trong những người tham gia thực hiện đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM đến năm 2025, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa đã có cuộc trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh đồ án quy hoạch này.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, so với hai đồ án quy hoạch năm 1993 và 1998, đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM được  phê duyệt năm 2010 có điểm gì mới?

- PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Có thể nói đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM mới được phê duyệt năm 2010 cơ bản đã bắt kịp được sự phát triển của thành phố trong thời gian qua cũng như những định hướng phát triển mang tính chiến lược của thành phố trong tương lai. Lần này chúng ta có được kinh nghiệm quý báu từ thực tế quản lý phát triển thành phố qua 2 thập niên đổi mới và học tập được kinh nghiệm quản lý phát triển đô thị của nhiều thành phố trong khu vực và trên thế giới.

Nếu như trong đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng (tên gọi của quy hoạch chung xây dựng thành phố thời kỳ ấy - PV) lập năm 1993 định hướng phát triển không gian thành phố còn khá mờ nhạt, đồ án lập năm 1998 mới xác định được hai hướng phát triển chủ yếu là Đông Bắc và Tây Nam thì đồ án điều chỉnh QHCXD được lập năm 2010 đã xác định rất rõ các hướng phát triển chủ lực, hay còn được gọi là hành lang phát triển chính của thành phố.

Đó là hướng Tây Bắc với sự hình thành (trong tương lai) của đô thị Tây Bắc - nơi sẽ kết nối TPHCM bằng đường bộ tới các nước ASEAN; hướng Đông Nam với sự hình thành của đô thị cảng Hiệp Phước sẽ giúp TPHCM tiến về phía biển, giúp thành phố phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, hai hướng phát triển về phía Đông Bắc và Tây Nam đã được xác định trong đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM năm 1998 nay vẫn được khẳng định lại trong đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM năm 2010. Ở hướng Đông Bắc sẽ phát triển các khu đô thị đại học ở Thủ Đức, khu công nghệ cao ở quận 9… Hướng này sẽ giúp TPHCM kết nối với các đô thị ở Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Ở hướng Tây Nam với các khu dân cư, khu công nghiệp mới ở khu vực Bình Tân, Bình Chánh sẽ giúp thành phố gắn kết với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam bộ.

Ngoài ra, trong đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM được phê duyệt năm 2010, các vấn đề về giao thông (đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng), bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu… đã được tích hợp và xác định rõ nét hơn các quy hoạch trước đó.

Riêng sự phân bố dân cư đã không còn mang tính “dàn đều” mà ngược lại đã được xem xét trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các đặc điểm tự nhiên các khu vực khác nhau của thành phố. Sẽ có những vùng được ưu tiên phát triển và những vùng hạn chế phát triển, thậm chí có vùng sẽ không phát triển mà giữ nguyên để bảo tồn thiên nhiên như các hành lang xanh đô thị. Đặc biệt trong lần điều chỉnh này, cao độ nền xây dựng - một trong những yếu tố quan trọng giúp thành phố giải quyết tình trạng ngập nước, được nghiên cứu xác định rất cụ thể.

- Như chính ông đã nói, lập được quy hoạch tốt nghĩa là việc phát triển đô thị mới đi được 30% đoạn đường. 70% còn lại phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện quy hoạch ấy như thế nào. Theo ông, TPHCM phải làm gì để đi con đường của 70% ấy?

- Trên cơ sở đồ án điều chỉnh QHCXD TPHCM được phê duyệt năm 2010, TPHCM phải khẩn trương xây dựng ngay quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch đô thị. Đây là một đầu việc lớn đã được xác định trong Luật Quy hoạch đô thị sau khi đồ án điều chỉnh QHCXD được phê duyệt. Quy chế này sẽ có hiệu lực quản lý nhà nước về QHXD đô thị cùng với đồ án kể trên.

Đây sẽ là cơ sở để chúng ta quản lý QHXD trong thời gian tới, giúp thành phố cùng ngành chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, Không có kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch một cách chi tiết, có phân kỳ đầu tư cụ thể, có ưu tiên chọn những dự án có tính chất đòn bẩy… thì thành phố khó lòng thực hiện thành công những ý tưởng lớn đã được thể hiện trong đồ án lần này. Tất nhiên, kế hoạch thực hiện phải được tính toán trên cơ sở nguồn lực tài chính của thành phố (bao gồm có vốn ngân sách và vốn vay) và sự đóng góp của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước cũng như những cơ chế - chính sách mang tính đột phá mà thành phố cần xin Trung ương cho phép thực hiện.

Với tất cả những động thái này, tôi cho rằng nếu có được một kế hoạch thực hiện quy hoạch khả thi và một kỷ luật “thép” trong việc quản lý việc thực thi quy hoạch thì TPHCM sẽ thực hiện thành công những chiến lược phát triển đô thị đã đề ra.

Đô thị Tây Bắc

Năm 2009, TPHCM đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng 1/5000 đô thị Tây Bắc và hiện quy hoạch chi tiết 1/2000 của khu đô thị này đang được thực hiện.

Theo quy hoạch đô thị Tây Bắc rộng 6.089 ha nằm gần như trọn vẹn trong huyện Củ Chi. Đây sẽ là trung tâm cấp thành phố với các chức năng thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng... Đô thị Tây Bắc sẽ là đô thị hiện đại, sinh thái với hai khu y tế cấp đô thị là Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Trung tâm. Đô thị Tây Bắc sẽ là nơi dời đến của một số trường đại học từ trung tâm thành phố. Nơi đây có Khu công nghiệp Tân Phú Trung rộng 542 ha. Khu vực kho bãi sẽ được tập trung dọc quốc lộ 22 và dọc tuyến đường thủy kênh Thầy Cai và kênh Xáng.

Đô thị cảng Hiệp Phước

Đô thị cảng Hiệp Phước nằm ở phía Nam huyện Nhà Bè, cách trung tâm TPHCM 18 km. Khu đô thị này có diện tích 3.600 ha với 4 phân khu chức năng chính: khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu cảng. Từ trung tâm thành phố đi theo đường trục Bắc-Nam, có thể tới đô thị cảng Hiệp Phước. Ngoài ra, theo quy hoạch sẽ có một tuyến metro kéo thẳng từ trung tâm thành phố về tới Hiệp Phước. Hiện tại Hiệp Phước đang dần hình thành khu cảng với sự có mặt của Cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT) và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Đô thị mới Thủ Thiêm

Diện tích khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm quy hoạch rộng 737ha, trong đó khu đô thị phát triển mới rộng 657ha và khu đô thị chỉnh trang 80ha. Trong khu đô thị phát triển mới sẽ có 130.000 dân cư ổn định và khoảng 1 triệu khách vãng lai.

Theo quy hoạch đã được duyệt, chỉ có khu lõi trung tâm chính là được xây dựng cao ốc từ 10 tầng đến tối đa 40 tầng, các khu khác được khống chế từ 32 tầng trở xuống.

Khu đô thị này sẽ phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, nối kết hài hòa với khu trung tâm hiện hữu.

T.Đ - S.L - M.N

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục