
Với quan điểm về quản lý phát triển đô thị bền vững, công tác quản lý, hoạch định chính sách phải mang nặng tính “kỹ trị”, bên cạnh thực tế phải dựa trên kết quả của nghiên cứu khoa học sâu…, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, ngày một ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân TPHCM, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh quan điểm này.
Nên có bộ phận chuyên trách tổng hợp thông tin
* Phóng viên: Từ trước đến nay nhiều chủ trương, chính sách về phát triển đô thị của TPHCM cũng như của các bộ ngành liên quan khác đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, trước khi được chính thức ban hành. Tại sao ông lại phải đặt vấn đề, các chính sách về quản lý, hoạch định chính sách về phát triển đô thị phải mang nặng tính “kỹ trị”, cần dựa trên kết quả của nghiên cứu khoa học sâu?
* PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Trước các vấn đề lớn về quản lý nói chung và quản lý phát triển đô thị bền vững nói riêng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đều tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Tuy nhiên, do thời gian tổ chức hội thảo thường chỉ gói gọn trong một buổi, một ngày, không đủ thời gian cho các nhà khoa học trình bày hết các nghiên cứu của mình. Chưa kể, nhiều hội thảo lại ít có sự tham gia của các lãnh đạo trực tiếp nên các kết quả nghiên cứu sâu không có điều kiện chuyển tải đến cơ quan lãnh đạo. Nhiều cán bộ của các cơ quan chức năng được cử đi dự hội thảo để nắm thông tin cũng ít có thời gian nghiên cứu, báo cáo sâu hơn cho lãnh đạo. Để có đủ thông tin mang tính khoa học hơn nữa cho các cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền trước khi ban hành các quyết định về quản lý, tôi nghĩ cần có một “kênh” khác chuyển tải các kết quả nghiên cứu khoa học sâu cho họ.

Quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại TPHCM được nghiên cứu sâu, rộng gắn với thực tiễn của một đô thị hiện đại (Ảnh: CAO THĂNG)
Hiện nay, ngoài kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học được Nhà nước “đặt hàng” cho các viện, các trung tâm nghiên cứu, còn có kết quả của những công trình nghiên cứu do các nhà khoa học chủ động thực hiện. Trong hầu hết các nghiên cứu này, các vấn đề liên quan đều được đặt ra đầy đủ, nhiều mặt. Đây là kho kiến thức, thông tin rất hữu ích cho các cơ quan chức năng cũng như những người có trách nhiệm. Tiếc rằng nhiều nghiên cứu này sau khi hoàn thành đã nhanh chóng bị cất vào tủ. Đều này vừa lãng phí kinh phí thực hiện nghiên cứu, vừa lãng phí chất xám của các nhà khoa học. Trong khi đó, công tác quản lý đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là khi TPHCM được dự báo là một trong những thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, ngày càng đòi hỏi phải các quyết định về quản lý phải có trình độ khoa học cao, sâu hơn trước.
* Tình trạng nhiều công trình nghiên cứu bị cất vào tủ, thực ra không mới. Nhưng làm sao để các công trình này có thể đưa vào thực tế khi mà nhiều công trình chỉ mang tính chất khoa học, hàn lâm, ít tính ứng dụng?
* Một công trình nghiên cứu khoa học, đương nhiên có tính lý thuyết khoa học và hàn lâm. Vấn đề là phải có một nhóm chuyên gia xem xét, cân nhắc, chọn lọc từ các nghiên cứu khoa học, đưa được ra những nội dung vừa mang tính chuyên môn, khoa học vừa có thể thực thi trong thực tế để tham mưu cho cơ quan chức năng hoặc những người có trách nhiệm. Một công trình nghiên cứu khoa học, có thể có đến 80%-90% là lý thuyết, học thuật nhưng chỉ cần có 10%-20% trong đó có tính khả thi cao, nhóm chuyên gia lọc ra được, để đưa vào thực tế, cũng là rất tốt. Nhóm chuyên gia này nằm ở đâu? Theo tôi nghĩ, tốt nhất là tại mỗi sở ngành chuyên môn và UBND TPHCM nên có các nhóm chuyên gia này. Ở vị trí này họ vừa có điều kiện cọ xát với thực tế, vừa có điều kiện tiếp cận, sàng lọc, tiếp thu kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, để tham mưu cho cơ quan chức năng và người có trách nhiệm, ra những quyết sách vừa khả thi vừa có hiệu quả bền vững.
Tập trung vào 4 chương trình trọng điểm
* Có một cơ quan nghiên cứu khoa học, rồi lại phải có một cơ quan nghiên cứu chuyển tải các nghiên cứu ấy vào thực tế, liệu có khả thi không, thưa ông?
* Không có vấn đề gì lấn cấn ở đây bởi các cơ quan nghiên cứu có tính chuyên sâu ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chính là các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học… Và nhóm chuyên gia như tôi nói ở trên, nên nằm ở các cơ quan có chức năng. Thời gian qua, do các cơ quan chức năng chưa có bộ phận riêng để đảm trách công việc kết nối này nên nhiều kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học không thể đưa vào thực tế là vì vậy. Nay có bộ phận chuyên trách, tôi cho rằng, sẽ khắc phục được bất cập này. Các doanh nghiệp quan tâm đến khoa học công nghệ, muốn sản phẩm của mình có hàm lượng chất xám cao, cũng có thể trở thành người đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tế. Sắp tới, nên có cơ chế gắn kết các cơ quan này lại với nhau để tăng hiệu quả công việc cho các cơ quan này.
* Theo ông, trong lĩnh vực quản lý đô thị, TPHCM nên đặc biệt quan tâm đến những nghiên cứu khoa học với những nội dung nào?
* Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 có đặt ra 7 chương trình đột phá, trong đó có 4 chương trình liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị: chống ngập nước, chống ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị. Để thực hiện thành công 4 chương trình này, ngoài quyết tâm chính trị của thành phố, tôi cho rằng TPHCM phải có những nghiên cứu khoa học mang tính chuyên sâu về các vấn đề này, mối quan hệ giữa chúng, các bước đi hợp lý để thực hiện thành công 4 chương trình. TPHCM có thể đặt hàng các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học nghiên cứu chúng.
* Cám ơn ông!
NGUYỄN KHOA