Biến đổi khí hậu

Phải bảo vệ hệ thống sông, kênh, rạch

Sông, kênh, rạch vẫn... dơ
Phải bảo vệ hệ thống sông, kênh, rạch

Đó là đề nghị của TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Môi trường TPHCM. Theo ông, điều đơn giản, dễ thấy nhất khi khí hậu biến đổi, nước biển dâng sẽ khiến triều cường mạnh lên. Nước sông, kênh, rạch nếu ô nhiễm sẽ bị triều cường đẩy tràn bờ, mang vi khuẩn gây bệnh lây lan khắp nơi…

Rác lềnh bềnh tại một nhánh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Đức Trí

Rác lềnh bềnh tại một nhánh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Đức Trí

Sông, kênh, rạch vẫn... dơ

Số liệu quan trắc chất lượng nước TPHCM của Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN- MT TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2010 đã chứng minh điều này. Tại hệ thống kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, chảy qua địa bàn các quận Phú Nhuận, 1, 3…, dù đã và đang được nạo vét nhưng vào thời điểm nước ròng, 100% chỉ số BOD, COD (ô nhiễm chất hữu cơ) vẫn vượt quy chuẩn Việt Nam tới hơn 2 lần. Hàm lượng vi sinh có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2009 nhưng tại một số vị trí như ở khu vực đường Lê Văn Sỹ vẫn vượt quy chuẩn 1,1 lần khi nước lớn và vượt 30 lần khi nước ròng. Giá trị pH vào khoảng 6,7-7, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2009.

Tại hệ thống kênh Tham Lương - Vàm Thuật, nồng độ BOD dao động trong khoảng 4,1-69,3mg/l, COD dao động trong khoảng 36,4-150mg/l. Lúc nước lớn, khoảng 50% mẫu quan trắc có chỉ tiêu BOD và COD vượt quy chuẩn Việt Nam. Lúc nước ròng, 100% mẫu quan trắc vượt quy chuẩn. Trong đó trạm ở khu vực Tham Lương có mức độ ô nhiễm hữu cơ cao hơn trạm An Lộc. So với cùng kỳ năm 2009, mức độ ô nhiễm chất hữu cơ có giảm nhưng vẫn đứng ở mức ô nhiễm cao và rất đáng lo ngại đến sức khỏe người dân quanh vùng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vi sinh trên hệ thống kênh Tham Lương - Vàm Thuật mới thực sự đáng sợ. Lúc nước lớn, 100% mẫu quan trắc có hàm lượng vi sinh vượt quy chuẩn tới 137 lần và lúc nước ròng, 100% mẫu quan trắc vượt quy chuẩn tới… 10.859 lần.

Ở hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nhìn chung tình trạng ô nhiễm chất hữu đều ở mức cao. 100% mẫu quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam, trong đó giá trị BOD trung bình vượt quy chuẩn 5,3 lần lúc nước lớn và vượt 5,4 lần vào lúc nước ròng, giá trị COD trung bình vượt quy chuẩn 4,2 lần lúc nước lớn và vượt 5,7 lần lúc nước ròng.

Khác với 3 hệ thống kênh trên, hệ thống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã có những dấu hiệu tốt về chất lượng nước như mức ô nhiễm chất hữu cơ có xu hướng giảm, mức ô nhiễm vi sinh chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, vào lúc nước ròng, chỉ số BOD trung bình vẫn vượt quy chuẩn Việt Nam 1,5 lần. Hàm lượng vi sinh trung bình vượt quy chuẩn tới 118 lần vào lúc nước lớn và vượt 273 lần vào lúc nước ròng. Mức độ ô nhiễm chất hữu cơ ở hệ thống kênh Đôi-Tẻ không cao như các hệ thống kênh khác nhưng hàm lượng vi sinh lại đang có xu hướng tăng 2-10 lần so với cùng kỳ năm 2009. Tất cả hệ thống kênh của TPHCM đều “đổ nước” ra các sông Sài Gòn, Đồng Nai… Điều này có nghĩa: sông cũng bị ô nhiễm. Nói chung toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch của TPHCM bị ô nhiễm.

Chồng chéo quản lý, rối rắm bảo vệ

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN- MT TPHCM, từ đầu năm 2010 đến nay, sở mới cấp khoảng 10 giấy phép xả thải nước (đã qua xử lý) ra môi trường cho doanh nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp đăng ký mới (có nước thải ra trong quá trình sản xuất) cao hơn nhiều so với con số 10 này. Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động có thể gây ô nhiễm cho hệ thống sông, kênh, rạch như: tàu bè xả dầu, nhớt ra sông; nông dân sử dụng phân hóa học, thuốc diệt côn trùng… không đúng cách; các nhà máy, xí nghiệp nằm dọc hệ thống sông, kênh rạch không xử lý tốt chất thải; người dân vứt rác xuống sông kênh… Sự “đa dạng” của các nguồn thải này đã và đang thách thức công tác bảo vệ môi trường nước tại TPHCM.

Còn một thách thức khác, đó là sự “cắt khúc” trong việc quản lý môi trường nước. Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, cấp phép xả thải vào hệ thống kênh, rạch thủy lợi thuộc thẩm quyền của Sở NN- PTNT, cấp phép xả thải vào hệ thống cống thoát nước thuộc thẩm quyền của Sở GTVT và Sở TN- MT sẽ cấp phép xả thải ở những nơi… còn lại. Trong khi đó toàn bộ hệ thống kênh, rạch, cống, rãnh này lại có một mối quan hệ liên hoàn với nhau. Chính điều này đã khiến công tác bảo vệ môi trường nước ở TPHCM chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đầu tháng 8, trong cuộc họp với các sở, ngành chức năng để bàn về các giải pháp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở TN-MT nghiên cứu đề xuất một giải pháp khả thi hơn cho công tác bảo vệ nguồn nước của TP. Hy vọng điều này sẽ giúp môi trường nước của TP sẽ được bảo vệ tốt hơn, đặc biệt trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay.

Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục