Nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM phụ trách công tác phát triển đô thị thành phố và hiện là chuyên viên cấp cao giúp Thường trực UBND TPHCM theo dõi chỉ đạo trong nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông, ông Nguyễn Thành Tài đã có cuộc trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh những giải pháp chống ùn tắc giao thông mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện…
Không nên bi quan quá về tình hình giao thông
- Phóng viên: Thưa ông, cùng với khủng hoảng kinh tế, công tác đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông đang gặp khó khăn. Trong khi đó, dân số cũng như lượng xe cá nhân lưu thông chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Ông có nghĩ rằng, giao thông TPHCM trong thời gian sắp tới sẽ còn xấu hơn thời điểm hiện nay?
Ông NGUYỄN THÀNH TÀI: Nếu chỉ nhìn vào những yếu tố trên thì khả năng giao thông TPHCM xấu đi trong thời gian tới là rất cao. Tuy nhiên, do thời gian qua, thành phố đã nỗ lực triển khai khá nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông một cách đồng bộ, cả nước trước mắt và lâu dài như quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch xây dựng không gian đô thị, nhất là các công trình giao thông nối kết liên vùng, khu vực, hình thành các đường vành đai, đầu tư các phương tiện giao thông có sức chở lớn như Metro, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh, góp phần hạn chế gia tăng phương tiện giao thông cá nhân… nên thời gian sắp tới, tôi nghĩ giao thông sẽ không quá căng thẳng.
Trong quy hoạch phát triển đô thị, các vấn đề về giao thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được tích hợp và được triển khai đồng bộ ở nhiều lĩnh vực. Đơn cử, việc xây dựng trường học, hiện phường nào cũng có trường mẫu giáo. Tại tất cả các quận, huyện đều đã có trường phổ thông trung học. Điều này có nghĩa việc đi học của các cháu đã được chăm lo ở ngay tại địa phương, hành trình đưa đón các cháu của phụ huynh đã được rút ngắn lại.
Chưa hết, hơn 90% cán bộ hành chính cấp, quận, huyện là người ngay tại địa phương. Nhu cầu đi xuyên thành phố của đội ngũ này do đó cũng đã giảm. 95% khu công nghiệp, khu chế xuất cùng các khu lưu trú công nhân đã được bố trí ở ngoại thành. TPHCM đang yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất nghiên cứu, sắp xếp giờ tan ca lệch nhau giữa các nhà máy. Hàng loạt trường học đã được điều chỉnh giờ tan trường, để hạn chế đến mức tối đa hiện tượng một khối lượng lớn người đổ ra đường cùng một lúc. 3 chợ đầu mối lớn với khối lượng vận chuyển hàng hóa có khi lên đến 10.000 tấn/ngày/chợ đã được di dời ra ngoại thành. Tân Cảng đã hoàn thành công tác di dời. Cảng Sài Gòn cũng đang từng bước dời tới khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Thành phố đã quy hoạch xong quỹ đất dành cho việc di dời các trường đại học ra vùng ngoại vi, khu ký túc xá phục vụ cho khoảng 60.000 sinh viên lưu trú ở quận Thủ Đức, Dĩ An (Bình Dương) cũng sắp được hoàn thành. Các cụm cơ sở y tế cũng đang được triển khai xây dựng ở các cửa ngõ ra, vào thành phố. Tất cả những điều đó sẽ giảm áp lực đi vào khu trung tâm thành phố của một bộ phận không nhỏ người dân.
Ngoài ra, cầu Phú Mỹ đi vào hoạt động cùng với việc mở rộng Liên tỉnh lộ 25B đã tạo điều kiện cho xe tải, xe container không phải lưu thông xuyên thành phố. Mới đây nhất, đại lộ Đông - Tây, hầm Thủ Thiêm được thông xe và đi vào hoạt động đã góp phần rất lớn cho việc chống ùn tắc giao thông ở thành phố.
| |
Nguyễn Khoa