Sau khi 79 cán bộ giảng viên, trong đó có Phó hiệu trưởng phụ trách và Bí thư Đảng ủy nhà trường tự nguyện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với lời hứa “trường hợp tự nguyện làm việc tiếp sẽ được chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, sau khi trường được tuyển sinh trở lại thì xem xét quay về trường công tác”, thì ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, tiếp tục đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 26 người còn lại.
Người trong cuộc nói gì?
Luật sư Trần Thị Hạnh, Chuyên viên Văn phòng HĐQT Trường ĐH Hùng Vương TPHCM phân tích: “Theo tôi, việc ông Đặng Thành Tâm ký quyết định thôi việc đối với 79 cán bộ giảng viên (họ tự nguyện) và đơn phương chấm dứt hợp đồng với 26 người (trong đó có tôi làm việc từ năm 2008 đến nay) là hoàn toàn trái quy định. Ông Đặng Thành Tâm không phải là người đại diện pháp luật của nhà trường để ký quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, trong quyết định, ông Đặng Thành Tâm chỉ căn cứ theo Bộ luật Lao động là hoàn toàn không đúng, bởi Trường ĐH Hùng Vương TPHCM hoạt động theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Ngoài ra, mức trợ cấp thôi việc mà ông Đặng Thành Tâm chi trả cho người lao động không đúng quy định, khiến người lao động bị thiệt”.
Mâu thuẫn nội bộ kéo dài khiến Trường ĐH Hùng Vương TPHCM đứng trên bờ vực tan rã.
Ông Nguyễn Phước Hiền, Trưởng phòng Tổ chức Pháp chế Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho rằng, phương án sử dụng lao động liên quan đến vận mệnh tập thể và cá nhân nên cần thiết phải có thời gian để tập thể thảo luận thống nhất, xây dựng phương cách thực hiện. Đằng này, Ban giám hiệu (BGH) lại làm một cách vội vã, không đúng trình tự, không đúng quy định.
Trong khi đó, TS Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết, chỉ làm theo đúng chỉ đạo của chủ tịch HĐQT và làm đúng quy trình, có báo cáo cơ quan chức năng. Việc tái ký hợp đồng với cán bộ nòng cốt để đảm bảo hoạt động của trường hiện đã có nhưng chưa được phép công bố thông tin. Về phương án đảm bảo đào tạo cho 50 sinh viên (9 sinh viên chính quy, 41 sinh viện hệ vừa làm vừa học), TS Tạ Thị Kiều An cho biết, với lượng sinh viên như vậy theo quy định hiện nay chỉ cần 2 giảng viên là đủ.
Các bên cần ngồi lại với nhau
Sau khi sự việc xảy ra và nhận được báo cáo của cán bộ giáo viên Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan Đại diện tại TPHCM đã tổ chức buổi họp với HĐQT, BGH và Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Hùng Vương TPHCM. Buổi họp có đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, Đảng Ủy khối Các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp tại TPHCM.
Ông Lương Ngọc Toản, Thành viên HĐQT cho rằng: “Ông Đặng Thành Tâm độc quyền ra thông báo cho nghỉ việc mà không thông qua HĐQT là trái luật. Trường không có đất, thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhưng ông Đặng Thành Tâm lại thông báo cho người lao động nghỉ việc là muốn giải tán trường”. Ông Trịnh Vũ Dũng, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết: “Khi có con dấu mới, công đoàn đề nghị điều chỉnh thang lương nhưng BGH, HĐQT không đồng ý. Đề nghị Bộ GD-ĐT và UBND TPHCM cho phép chúng tôi thành lập HĐQT lâm thời để khắc phục những tồn tại của trường và kêu gọi nhà đầu tư mới”…
Theo TS Hà Hữu Phúc, hiện nay trường còn đào tạo 50 sinh viên, do đó đề nghị HĐQT, BGH và các khoa, phòng ban trong trường phải đặt lợi ích của người học và người lao động lên trên hết. HĐQT, BGH cần công khai các chủ trương, chính sách của nhà trường đối với người lao động. Ông Phúc cũng đề nghị Chủ tịch HĐQT trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người lao động, BGH, công đoàn để chia sẻ những khó khăn của nhà trường. HĐQT, BGH thực hiện nghiêm túc công văn 4280 ngày 21-8-2015 của Bộ GD-ĐT, đảm bảo cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu và giải quyết mâu thuẫn nội bộ, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo cũng như trong sử dụng người lao động.
Thanh Hùng