Để giữ gìn các công trình kiến trúc có giá trị

Phải hài hòa lợi ích các bên

Người dân tâm tư
Phải hài hòa lợi ích các bên

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, có 2 nhóm công trình kiến trúc cần được bảo vệ. Nhóm thứ nhất là các công trình có đủ điều kiện xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và nhóm thứ hai là các công trình có giá trị về kiến trúc nhưng chưa đủ điều kiện xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa.

Đối với nhóm thứ nhất, các cơ quan chức năng cho rằng không cần phải… lo lắng nhiều, vì chúng đã được bảo vệ bởi Luật Di sản. Vấn đề còn lại đối với nhóm thứ nhất là phát triển cảnh quan xung quanh các di sản này như thế nào để không ảnh hưởng đến di sản. Với nhóm thứ hai, vấn đề phức tạp hơn vì chưa có quy chế xác định cũng như bảo vệ rõ ràng. Hơn nữa, nhiều công trình kiến trúc dạng này như biệt thự, nhà liên kế cổ… lại là những công trình thuộc sở hữu của người dân. Bảo vệ các công trình này như thế nào để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là điều không đơn giản.

Khu nhà cổ 292 Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) cần được bảo tồn. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Khu nhà cổ 292 Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) cần được bảo tồn. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Người dân tâm tư

Trong một cuộc họp đầu tuần qua của UBND TPHCM với các sở, ngành chức năng về việc bảo tồn các công trình kiến trúc trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã kể một câu chuyện có thể coi là… điển hình cho những khó khăn của TP trong công tác này. Một ngôi nhà trên đường Huỳnh Khương Ninh lưu giữ nhiều kỷ niệm hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, TPHCM muốn mua lại để bảo tồn, nhưng chủ nhà đã đưa ra một mức giá khá cao. Công tác thương thảo kéo dài và hiện hai bên vẫn chưa thống nhất được với nhau, việc bảo tồn di tích vì thế chưa thể tiến hành như kế hoạch.

Cũng liên quan đến những khó khăn của các cấp chính quyền, bà Huỳnh Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 5 - một trong những địa phương có nhiều di tích cần bảo tồn, cho biết đa phần các di tích đều đã… có tuổi. Do vậy, việc sửa chữa, trùng tu gần như phải tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, nếu để công việc này cho người dân - chủ sở hữu những công trình này thực hiện e không đảm bảo yêu cầu. Chính vì thế, thời gian qua UBND quận 5 đã chủ động trích một phần kinh phí để bảo dưỡng. Chi phí này khá cao vì phải sửa chữa theo đúng kiến trúc ban đầu và đây là một trong những khó khăn của địa phương trong việc bảo tồn.

Về phía người dân, làm chủ sở hữu và hiện đang cư ngụ ngay trong các công trình được xác định cần bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, ngụ tại lầu 1, căn nhà số 45 đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 - một trong những căn nhà nằm trong danh sách cần bảo tồn của quận 5, cho biết ngôi nhà của bà đã hư hỏng rất nhiều. Các cánh cửa gỗ đã bị mối mọt ăn hết, tường cũng đã bị nứt. Gia đình của bà cũng như gia đình ngụ tại tầng trệt của ngôi nhà rất muốn sửa chữa lớn nhưng không thể, vì điều đó ảnh hưởng đến cấu trúc của công trình. Một người dân khác xin giấu tên, ngụ trong ngôi biệt thự khá đẹp trên đường Tú Sương, quận 3 - khu vực đang được nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế bảo tồn, cho biết gia đình bà chỉ có 5 người, phần lớn đã nhiều tuổi nên rất muốn cơi nới thêm để cho thuê. Nếu việc này không được phép, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho gia đình bà.

Hài hòa lợi ích đôi bên

Hiện nay, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận, huyện nhanh chóng thống kê và đề xuất danh sách các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn trình UBND TPHCM xem xét. Bên cạnh đó, các sở ngành chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo tồn, nhất là đối với các công trình kiến trúc tuy có giá trị kiến trúc, nhưng chưa đủ điều kiện là di tích. Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài nói: “Nếu không làm ngay e… không kịp”.

Thực ra, việc bảo tồn, gìn giữ các công trình kiến trúc có giá trị không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Tại TPHCM, nhiều kiến trúc sư cũng như các chuyên gia về đô thị đã cảnh báo chuyện này từ lâu. Tuy nhiên, như tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chia sẻ: “Vấn đề là có sự căng kéo giữa bảo tồn và phát triển, đặc biệt đối với một TP năng động như TPHCM. Một khi việc bảo tồn, gìn giữ công trình kiến trúc có giá trị không… sinh lợi thì người dân và ngay cả một số địa phương cũng không mặn mà”.

Chính vì lý do này mà quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài hiện nay là phải làm cho các công trình bảo tồn… sinh lợi và người dân - chủ sở hữu của chúng, phải được hưởng một phần lợi nhuận từ nguồn lợi này. Có nhiều giải pháp để sinh lợi cho các công trình bảo tồn như có thể đưa chúng vào khai thác du lịch. Nhiều TP, đặc biệt là Hội An, đã áp dụng rất thành công giải pháp này. Chính quyền Hội An hỗ trợ đến hơn 70% chi phí sửa chữa nhà cho chủ nhân các ngôi nhà cổ. Nếu phần chi phí còn lại chủ nhà vẫn không có, nhà nước có thể cho vay thêm trong vòng 5 năm không lãi. Ông Phạm Minh Hải - một người dân ở Hội An đã cho biết như vậy.

Tuy nhiên, đối với TPHCM - một trong những TP có tốc độ phát triển cao nhất nước, vấn đề không chỉ dừng ở đấy. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, gia đình bà có 5 người với diện tích hiện có 89m2, tạm thời đủ để ở, song qua năm tới các con bà lập gia đình thì diện tích này hơi chật. Mong muốn của bà Nguyễn Thị Bích Thủy là được Nhà nước bố trí cho một ngôi nhà mới rộng rãi, tiện nghi hơn để đổi căn nhà hiện nay. Điều này có nghĩa, chỉ khi có một chính sách đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế, đặc biệt hài hòa được quyền lợi của người dân với Nhà nước thì TPHCM mới có thể bảo tồn và gìn giữ các công trình kiến trúc có giá trị.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục