Phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phải kiên trì

Phải kiên trì

Hiện nay, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 6.000 - 6.500 tấn chất thải rắn đô thị, 75%-80% trong số đó được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi chôn lấp Gò Cát - Bình Chánh và Phước Hiệp (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn 880ha ở Tây Bắc Củ Chi, với công nghệ duy nhất là chôn lấp vệ sinh).

Phải kiên trì ảnh 1

Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc.

Cả hai bãi chôn lấp này, mặc dù được đầu tư rất lớn với công nghệ khá hiện đại, nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác và khí bãi chôn lấp (kể cả mùi).

Đặc biệt công nghệ chôn lấp vệ sinh chiếm đất rất lớn, mỗi năm với khối lượng chất thải rắn đô thị khoảng 5.900-6.200 tấn/ngày, TPHCM cần từ 9 đến 12ha đất để chôn lấp.

Diện tích này sẽ khó có thể sử dụng vào mục đích khác trong thời gian dài (30-50 năm). Không những thế, chúng còn cần được bảo trì và giám sát với kinh phí hàng năm (20-25 năm sau khi đóng bãi) khá lớn.

Do đó để biến chất thải rắn thành những nguồn lợi, UBNDTP đã có chủ trương thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và đã triển khai thí điểm tại các quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi để từ đó làm tiền đề nhân rộng cho các quận huyện trên toàn địa bàn thành phố.

Sau khi hướng dẫn và kiểm tra đợt 1 tại khu phố 1 và 2 (phường 8, quận 6), trong 822 hộ dân có 45% hộ dân phân loại đúng, 25% phân loại sai và 30% hộ dân không thực hiện phân loại. Kết quả kiểm tra đợt 2 tại khu phố 4 (phường 8, quận 6) cho thấy trong 226 hộ dân thì có 44% phân loại đúng, 30% phân loại sai và 26% không thực hiện phân loại.

Kết quả trên cho thấy mức độ ủng hộ của người dân đối với chương trình rất cao. Tuy nhiên, do bước đầu chưa quen và ý thức bảo vệ môi trường còn thấp nên vẫn còn một số hộ dân chưa tham gia chương trình.

Lý do để các hộ dân không thực hiện phân loại là nhà cửa chật chội, mất thời gian, phân loại chất thải rắn tại nguồn không khả thi vì người thu gom rác dân lập không có ý thức tách riêng 2 loại, khi thu gom, thậm chí còn trộn chung lại…

Một số lý do khác khiến cho người dân phân loại sai là thùng rác cung cấp cho hộ dân trong đợt thí điểm vừa qua quá bé nên đầy thùng này người dân để rác sang thùng kia hoặc là do người dân tham gia tập huấn không hướng dẫn lại cho các thành viên trong gia đình. Do vậy, để chương trình phân loại rác tại nguồn thành công, không còn cách nào hơn là những người có trách nhiệm phải kiên trì hướng dẫn người dân tham gia.

TRUNG VIỆT

 

Tin cùng chuyên mục