Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”!
LTS: Liên tiếp trong các số báo ra ngày 18, 19, 20, 21-11-2013, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài “Sông Sài Gòn-Đồng Nai đang “chết”!”. Loạt bài này không chỉ báo động khẩn cấp tình trạng ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng trên hệ thống sông này mà còn phân tích rõ các nguyên nhân, tìm kiếm và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi. Ngày 21-11, bên hành lang Quốc hội, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, một trong những người có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với vấn đề này đã trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. TS Trần Du Lịch cho biết:
Hiện tại chúng ta đã có Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tôi cho rằng, các cơ quan này cần phải điều phối giải quyết, phải xử lý 4 vấn đề cơ bản nhất.
Một là phân bố lại toàn bộ lực lượng sản xuất, tức là quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ trên quy mô vùng chứ không chỉ ở địa phương.
Hai là phối hợp trong xây dựng kết cấu hạ tầng chung của toàn vùng.
Ba là đào tạo và phân bố nguồn nhân lực toàn vùng, liên quan đến tình hình nhập cư và phân bố dân cư đô thị...
Bốn là bảo vệ môi trường chung.
- PV: Dường như công tác điều phối đó chưa đạt được hiệu quả mong muốn, thưa ông?
>> Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH: Đúng là việc thực hiện chưa thật hiệu quả, sự phối hợp cũng còn thưa thớt, chưa chặt chẽ, khiến cho người dân bức xúc, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường. Thực sự thì môi trường có sự liên quan rất chặt chẽ đến quy hoạch sản xuất vùng. Cứ bố trí các nhà máy sản xuất đầu nguồn nước, rồi nơi nào cũng làm khu công nghiệp, làm nhà máy thì không thể nào giữ cho nguồn nước trong sạch được. Mới đây tôi có dịp đi tìm hiểu về nguồn nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn, TPHCM) và được biết là chi phí xử lý nước ở đó tăng cao do họng nước đã bị ô nhiễm. Tóm lại, cái gốc của vấn đề vẫn là phân bố sản xuất trong toàn vùng.
- Nhưng việc này rất khó, bởi lẽ các tỉnh đầu nguồn cũng đứng trước yêu cầu phải phát triển kinh tế xã hội, họ không thể cứ mãi giữ rừng và... giữ nghèo - như lời một vị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông?
Đúng! Việc liên quan đến câu chuyện rất lớn là liên kết giữa các địa phương và cơ chế phân bổ nguồn lực.
- Ông có cho rằng hiện nay quan hệ liên kết giữa các địa phương mới chỉ thiên về kinh tế đầu tư mà chưa chú trọng thích đáng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là môi trường?
Như TPHCM, nếu liên kết với các tỉnh miền Trung thì chủ yếu để phối hợp đầu tư, giao thương phát triển kinh tế là đúng rồi. Nhưng với các tỉnh trong vùng như đã nói thì đó phải là sự hợp tác toàn diện. Từ góc nhìn của người nghiên cứu, tôi đã nói từ rất lâu rằng, chừng nào chúng ta còn duy trì kiểu quản lý 63 tỉnh, thành như “63 nền kinh tế” thì còn nhiều bất ổn. Sự phát triển bền vững phải được đặt nền tảng trên lợi ích quốc gia, lợi ích vùng. Tỉnh nào cũng lo GDP, cũng tự quy hoạch, phê duyệt riêng thì tất yếu sẽ phá vỡ cơ cấu vĩ mô. Tái cơ cấu kinh tế có một nội dung quan trọng là chỗ đó: quản lý theo vùng chứ không phải riêng lẻ từng địa phương.
- Quay lại việc bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, ông có khuyến nghị gì?
Hiện nay định chế quản lý vùng đã có, phụ trách chung là Chính phủ, có Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Vấn đề là xác định rõ trách nhiệm và cơ chế điều phối để nâng cao hiệu quả hoạt động mà thôi. Tôi vẫn muốn nhắc lại là phải thay đổi quan điểm, nhận thức về cơ cấu kinh tế địa phương. Phải suy nghĩ trên lợi ích của toàn vùng, từ đó tính chuyện quy hoạch phát triển thế nào, điều tiết nguồn lực, chia sẻ lợi ích ra sao. Chứ cứ giao cho từng địa phương tự lập quy hoạch, tự phê duyệt, tự kiểm tra... thì không bao giờ giải quyết rốt ráo bài toán này.
| |
ANH THƯ (thực hiện)