- Kiến nghị tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá
(SGGP).- Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Từ kinh nghiệm làm việc với các công ty tài chính quốc tế, ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM) cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền “có tầm quan trọng sống còn đối với các doanh nghiệp tài chính”. Đồng ý phải sớm ban hành luật, song ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề nghị giao cho cơ quan công an làm đầu mối thực thi luật thay vì một cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nhận định: “Nếu quy định đơn vị chống rửa tiền chỉ là Ngân hàng Nhà nước là chưa phù hợp, vì hoạt động rửa tiền thường liên quan đến tội phạm. Do vậy cần quy định bao gồm cả các cơ quan pháp luật như Bộ Công an, Bộ Tư pháp… thì hoạt động kiểm soát mới hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho hoạt động chống tham nhũng”.
Còn theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), muốn phòng chống rửa tiền, trước hết phải hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt. “Ở một nền kinh tế sử dụng tiền mặt là chủ yếu thì khi rửa tiền chỉ cần “ôm” khoản tiền đó ném vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán mà không cần thông qua hệ thống ngân hàng. Nếu nền kinh tế vẫn sử dụng tiền mặt như hiện tại chắc chắn luật này khó phòng, chống tội phạm rửa tiền”.
Về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhiều ĐBQH còn băn khoăn về tính khả thi của luật. Các ĐB Trương Thị Ánh, Đinh Thị Bạch Mai (TPHCM) đề nghị trao thêm quyền xử phạt cho người đứng đầu các cơ sở cấm hút thuốc lá (cơ sở y tế, giáo dục…), vì “với quy định như trong dự thảo luật, sẽ không thể nào ngăn chặn được nếu người hút thuốc cố tình vi phạm”.
Quy định về việc không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trên phim ảnh hoặc làm mờ hình ảnh hút thuốc lá hoặc chạy kèm dòng chữ “hút thuốc gây ung thư” cũng được nhiều ĐB coi là không khả thi. ĐB Nguyễn Hữu Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận, giải pháp hiệu quả nhất để giảm cầu về thuốc lá là tăng thuế. Đây cũng là quan điểm của nhiều ĐB Quốc hội khác.
Trước đó, sáng 9-11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và nhiều ý kiến tán thành đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra không đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào luật vì các loại nước nói trên được coi là khoáng sản và đã được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản năm 2010. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng bảo vệ quản lý tài nguyên nước biển, lãnh hải là rất quan trọng, vì vậy cần được đưa vào luật. ĐB Trần Đình Long (Đắc Nông) băn khoăn khái niệm lưu vực sông đưa ra chưa rõ.
“Phải làm rõ khái niệm lưu vực sông. Đối với lưu vực sông giáp ranh, địa phương không thể quản lý được mà phải có cơ quan của TƯ”, ĐB Long đề xuất. ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) thì cho rằng cần quy định: đối với các công trình có xả thải, sử dụng nguồn nước thì chủ dự án phải công bố công khai các thông tin liên quan, có sự giám sát của cộng đồng dân cư. Hàng vạn dự án hiện nay đang xả nước thải không đúng quy định, luật cần quy định rõ trách nhiệm của các dự án, công trình đang xả thải.
Theo nhiều đại biểu, nguồn nước ngày càng khan hiếm nhưng nếu chỉ sử dụng biện pháp hành chính để quản lý là không hiệu quả. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, ưu đãi đầu tư vì nước là lĩnh vực có lợi nhuận thấp.
"Muốn kiềm chế lạm phát thì chính sách tiền tệ và tài khóa phải thắt chặt. Đó là liều thuốc “giống như paracetamol - cứ sốt là phải uống”. Phải thực hiện nghiêm ngặt việc thắt lưng buộc bụng ngay từ bây giờ, chứ đừng để quá muộn như Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… Việc đã quen chi tiêu thoải mái giống như một người đã quen ăn uống thoải mái đến mức béo phì, nguy kịch rồi thì khi bắt nhịn ăn người ta sẽ phản ứng quyết liệt, rất khó". |
Anh Thư - Lâm Nguyên