Mở bến xe khách liên tỉnh trong khu vực trung tâm thành phố để chống xe dù, bến cóc, là một trong những giải pháp đang được ngành chức năng cân nhắc. Thế nhưng, dù mới chỉ là đề xuất của một số người nhưng ý kiến này đã nhận được sự phản hồi mạnh mẽ từ giới kinh doanh vận tải.
Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết, trung bình mỗi ngày hai bến xe khách liên tỉnh lớn nhất TPHCM (Bến xe miền Đông và miền Tây) phục vụ tới gần 50.000 lượt hành khách cùng khoảng 10.000 lượt ô tô (loại lớn) ra vào, cá biệt trong những ngày lễ, tết đón tới hơn 100.000 lượt hành khách và hơn 20.000 lượt ô tô. Nếu thực hiện đề xuất trên, chỉ cần 50% lượt hành khách và số ô tô này đi vào khu vực trung tâm, không biết hoạt động giao thông TPHCM sẽ tắc nghẽn đến mức nào. Vị này cũng cho biết, không phải đơn vị vận tải của mình không đủ sức “mở bến xe hoặc điểm đưa đón khách trong nội thành” nhưng vì lợi ích chung, họ vẫn phản đối đề xuất này.
Cũng có một số DN ủng hộ đề xuất nêu trên khi cho rằng nếu được thành phố cho phép mở bến, DN được công khai hoạt động thì họ sẽ chủ động thuê những vị trí phù hợp để đưa đón khách. Chưa biết ngành chức năng sẽ trả lời ra sao, nhưng có một thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông ở TPHCM vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, năm qua trên địa bàn TP không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, nhưng tình trạng ùn ứ giao thông… có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, ở hầu hết các tuyến đường huyết mạch của TP. Trong bối cảnh ấy, nếu lại có thêm hàng chục ngàn xe khách lưu thông liên tục, thật không thể tưởng tượng giao thông TPHCM sẽ như thế nào - một chuyên gia về quản lý đô thị nhận xét.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, việc cho phép hình thành các bến xe khách liên tỉnh trong nội thành cũng đã được nhiều đô thị trên thế giới thực hiện. Tất nhiên, vị trí đặt các bến xe này phải được tính toán thật kỹ, hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thông chung của thành phố. Thường họ sẽ đặt ở các ga metro, BRT để kết nối liên hoàn giao thông nội đô và liên tỉnh. Chưa hết, các xe liên tỉnh vào nội đô đón khách đi và ra bằng đường nào cũng được quy định rõ ràng, để tránh tạo thêm áp lực quá tải cho khu vực trung tâm. Liệu TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm này? Tuyến metro đầu tiên của TPHCM dự kiến đến năm 2020 mới đi vào hoạt động, tuyến BRT đầu tiên cũng phải đến năm 2018 mới khánh thành. Các tuyến đường huyết mạnh ra vào khu vực trung tâm thành phố, còn có tuyến nào khả dĩ có thể “cõng” thêm hàng chục chuyến xe khách liên tỉnh hàng ngày? Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TPHCM còn rất khó khăn trong việc xây dựng bến bãi trong nội ô… Bây giờ tìm thêm vị trí phù hợp để làm bến xe khách liên tỉnh, liệu có khả thi? Hiện nay, nhiều cao ốc trên địa bàn thành phố chỉ cần có ô tô ra vào liên tục cũng đã gây ra ùn ứ giao thông cho khu vực quanh đó. Mạng lưới đường giao thông của thành phố lại không được phân bố đều, nối đến nhiều khu vực, chỉ có vài tuyến đường huyết mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống xe buýt thành phố có nhiều tuyến trùng nhau cả một đoạn rất dài. Người dân thành phố đã rất bức xúc trước thực trạng ấy nhưng ngành chức năng cũng chưa có giải pháp khả thi để tháo gỡ vì… đường chỉ có vậy!
Xem xét tất cả các đề xuất là thái độ cầu thị, rất đáng biểu dương của ngành chức năng. Thế nhưng, mong rằng phải đứng trên lợi ích chung của cả cộng đồng trước khi quyết định chọn bất cứ đề xuất nào.
TÂM ĐỨC