Phía sau những đường banh

Phần 2:Chơi thể thao chẳng hao năng lượng

Đánh độ,chuyện thường ngày ở huyện !

Là những chai bia, là những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, là “cúp” giờ công sở, là những vụ độ vài “chai” và những câu chuyện tình vội vã cười ra nước mắt…Đôi khi, người ta cứ lầm tưởng môn thể thao này luôn đẹp như cái tên mỹ miều của nó: “môn thể thao quý tộc”. Tuy nhiên, phía hậu trường còn tồn tại nhiều mảng xám buồn. Cuộc sống xô bồ cứ thế trôi đi, còn quần vợt tiếp diễn theo cách riêng của nó, cách của một xã hội thu nhỏ…Hiện nay, giống như một công thức, sân quần vợt luôn đi kèm theo quán nhậu. Vì thế, cứ dạo ngang các sân banh ở TPHCM sẽ thấy, nó luôn bị bao quanh bởi các quán xá từ bình dân đến sang trọng. Vì thế, đến sân banh mà không nhậu cũng... kỳ!

  • Đánh banh xung quanh quán nhậu...

Cứ đến cụm sân quần vợt trong CLB Hải quân (đường Nguyễn Hữu Cảnh) sẽ thấy, sân bị ôm sát với quán nhậu Ngã Ba Sông, cũng như 2 - 3 cái nhà hàng bao quanh như mời gọi. Tiếng chạm ly lách cách có khi còn át cả tiếng vụt banh trên sân. Đây là sân dành cho dân trong ngành, hiếm khi cho người ngoài thuê, nên cứ chơi mệt lại đi vòng cửa hông vào... làm vài chai. Đường vào sân banh chật kín các loại xe máy của các hàng quán quanh đấy. Nếu không phải người thường đến sân, chắc chắn sẽ quay trở ra vì ngỡ đây là đường dẫn vào quán nhậu!

Phần 2:Chơi thể thao chẳng hao năng lượng ảnh 1

... Nên các tay vợt nghiệp dư chơithể thao thì ít, nhưng thời gian ngồitrong quán nhậu thì nhiều.

Còn án ngữ ngay cửa vào sân CLB Không quân (số 85, đường Thăng Long, Tân Bình) là một quán nhậu nằm chình ình khiến nhiều người tới thuê sân tưởng đến để uống bia, rượu chứ chẳng phải dợt banh. Và nếu cái hàng rào bao quanh sân không làm bằng thép B40 dễ nhìn thì ít ai biết trong đó có sân quần vợt. Trên sân banh thì thưa thớt, nhưng trong quán nhậu lại tưng bừng, nhộn nhịp tiếng “dzô!dzô...”. Có người còn tranh thủ vào “làm vài ve” để chờ tới lượt ra sân.Chuyện nhậu ngay cạnh sân quần vợt giờ đã phổ biến đến độ lấn át cả chuyện chơi tennis. Thế mới biết, những nhà kinh doanh “hiểu ý” dân đánh banh vô cùng. 16g30 tan sở, 17g đến sân đánh tới 18g là... chui vô quán nhậu. Thời gian nhậu kéo dài gấp 3-4 lần thời gian chơi thể thao. Khoảng 22g, sân banh tắt đèn, nhưng dân đánh banh vẫn còn ngồi đông kín trong các quán nhậu cho tới tận nửa đêm mới chịu rời ghế. Người ta ước tính, một buổi chơi quần vợt trong 2 giờ liên tục với cường độ cao sẽ tiêu hao tối đa 800 kcalo, số năng lượng này tương đương với khoảng 2 lon bia. Thế nhưng, ít khi người ta vận động được đến mức tối đa này, trong nhậu thì luôn uống nhiều hơn 2 lon bia, đó là chưa nói đến các loại món nhắm để “đưa cay”. Nên không có gì lạ khi chơi thể thao, nhưng chẳng tiêu hao năng lượng, trái lại còn được nạp thêm. Cứ thế theo thời gian, số năng lượng này cứ tích lũy dần làm cho “vòng 2” ngày càng to ra. Bởi thế mà một chị bạn có ông chồng rất mê quần vợt, thỉnh thoảng gặp chúng tôi lại than: “Ổng đi đánh quần vợt mà bụng cứ càng ngày càng to ra anh ạ, chẳng biết chơi thể thao kiểu gì!”. Nhưng ngoài việc nhậu, sân quần vợt còn là nơi để...
  • Trưởng giả học làm sang

Thời nay, đôi khi chuyện mặc bộ quần áo, giày, vớ trắng tinh, cầm vợt đắt tiền đi vào sân bóng còn kèm theo “ý nghĩa” về mặt khẳng định... đẳng cấp, hơn là tập luyện thể thao. Dạo vòng quanh các sân Lan Anh, Hải Âu (Bình Thạnh), Nam Sài Gòn, CLB số 3, Đầm Sen... bạn sẽ rất dễ bắt gặp hình ảnh những cậu ấm, cô chiêu thuộc gia đình giàu có đến sân banh chơi quần vợt thì ít mà chủ yếu “so găng” thì nhiều.

Phần 2:Chơi thể thao chẳng hao năng lượng ảnh 2
...Ai đánh banh thì cứ thoải mái, ai nhậu thì cứ vô tư.
Phần 2:Chơi thể thao chẳng hao năng lượng ảnh 3
Những sòng bài như thế này luôn là hình ảnh quen thuộc tại các sân banh.

Nào là so Ipod siêu mỏng, so dòng điện thoại đắt tiền như dòng NSeries của hãng Nokia hay những chiếc Vertu màu đen, màu đồng có giá lên tới 17.000 USD. Ngoài ra, một vài cậu ấm, cô chiêu ở Q1, Q3 và Q5 thường chọn các sân banh không chuyên cốt để dạo qua, dạo lại “đọ” những chiếc xế hộp đời mới Mercedes, Infiniti FX45 hay BMW X5...

Còn đánh banh ư? Chuyện nhỏ! Vì chỉ cần ra sân “múa” khoảng 10-15 phút là chui vào nghỉ trên... 30 phút. Thời gian đến sân dư dả quá thì làm gì? Lấy bộ bài ra chơi cho vui, và từ vui đến sát phạt nhau cũng chẳng mấy chốc. Vì thế mà hiện nay rất nhiều tay vợt “đánh banh thì ít, sân si thì nhiều” ấy đã biến một số sân quần vợt thành những sòng bài với mức độ sát phạt cũng không kém phần khốc liệt.

  • Những mối tình chớp nhoáng
Phần 2:Chơi thể thao chẳng hao năng lượng ảnh 4
Những sân quần vợt hiện nay luôn
song hành cùng các quán nhậu...

Sân quần vợt không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi rất nhiều cặp “mến nhau vì tài” tìm đến để sưởi ấm lòng nhau, dù khối chàng đã vợ con đề huề và thiếp cũng đã là “của người ta”. Rất nhiều sân banh đã chứng kiến những cuộc tình “ngoài hôn nhân” như thế, và các chiến hữu đồng liêu đã trở thành những tấm lá chắn cho các ông lẫn bà có máu “ngán cơm thèm phở”.

Một trong những “cao thủ tình trường” ở sân quần vợt phải kể tới ông Hải ở Bình Thạnh. Chơi cùng với nhóm bạn U50, nhưng ông này thường hẹn cô bồ nhí 30 tuổi tới sân quần vợt rồi dẫn đi chơi. Xách vợt tới sân Liên Trường hay sân Tư Hồng chỉ là cái cớ, mỗi khi vợ gọi tới, ông giao điện thoại cho bà bạn chí thân nói chuyện, vì “anh ấy đang bận đánh trên sân, tui ngồi ngoài nghe giùm”.

Đi đêm rồi cũng gặp ma, bà vợ ông Hải cũng nghe ngóng được tình hình và bắt tại trận đôi “gian phu, dâm phụ” đang tay trong tay âu yếm ngay tại sân quần vợt. Kết quả là sân banh hôm ấy náo loạn cả lên vì trận đánh ghen, và ông Hải bị vợ cấm tiệt la cà tới các sân banh lẫn các chiến hữu banh bóng thân thiết nếu “ông còn muốn tôi nhìn mặt!”.

Đánh độ,chuyện thường ngày ở huyện !

Chơi quần vợt mà không có đánh độ thì cũng… buồn. Nhỏ thì một chầu nước, lớn thì vài “chai” đến vài chục “chai”, và như một thông lệ, đánh độ là chuyện thường ngày tại các sân bóng. Anh Lê Khải (Công ty NewVision) kể: “Chơi vài trăm ngàn là lúc mới bắt đầu cầm vợt.

Riết rồi thành quen, không độ đánh không có hứng. Nhóm chúng tôi có 10 người, mỗi tuần đánh 3 buổi, buổi nào độ ít thì 1-2 triệu đồng/trận. Có ông sung hơn thì “kêu” lên tới 5-7 chai (triệu)/trận đấu 3 ván”. Anh Khải kể, năm ngoái anh còn chứng kiến một tay Việt kiều Thụy Sĩ xỉa ra gần... 3.000 USD trên sân quần vợt Nam Sài Gòn sau trận thua độ bạn anh - cũng là một Việt kiều từ Mỹ về. 



                                                                      Bài: THANH LÂM, Ảnh: Dũng Phương
Tin bài liên quan

-Phần 1: Đến sân không chỉ để đánh quần vợt

Tin cùng chuyên mục