
Đời hát lót của giới nghệ sĩ cải lương thảm sầu như những bản vọng cổ buồn đã vận vào duyên nghiệp họ.
Mười lăm ngàn cho một đêm diễn
Một đoàn hát ở tỉnh Đồng Tháp tổ chức sô diễn Vầng trăng cổ nhạc tri âm tại thị xã Sa Đéc có đến 10 nghệ sĩ hát lót. Họ đều là những giọng ca “chiến” của gánh hát các tỉnh, trong đó có nhiều người đã từng là đào kép chính thời cải lương còn hưng thịnh. Diễn viên H.K.B cho biết: “Lương mỗi đêm của tôi là 15.000 đồng cho 4 bài vọng cổ, thêm một bài nhạc sến. Có khi ngôi sao cải lương tăng cường cần vai quân sĩ tôi cũng đóng tuốt”.

Nghệ sĩ cải lương hát lót cực hơn ca sĩ hát lót vì họ phải hát bằng giọng thật. Buổi sáng, sau khi phụ anh em hậu đài dọn cảnh trí, sân bãi, buổi chiều họ tập với dàn nhạc nên thường bị khan tiếng, ho ra máu sau thời gian dài đi theo gánh hát. Cay đắng hơn là hát được bao nhiêu tiền đều phải trả góp cho việc mua son phấn, phục trang. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy gương mặt của các nữ nghệ sĩ hát lót ở các đoàn tỉnh đều sần sùi vì dùng kem và phấn kém chất lượng.
Nỗi đắng cay của nghệ sĩ hát lót một phần còn do nghệ sĩ ngôi sao gây ra. Đ.Q - một cô đào hát lót của đoàn hát ở tỉnh Trà Vinh - kể: “Ngôi sao cải lương xuống đoàn này tăng cường hầu hết ai cũng hát nhép. Còn chúng tôi hát bằng giọng thật, giọng ca rè, run, khàn là bị chửi ngay. Nhiều đêm hát xong vào cánh gà nước mắt chảy dài vì tủi nhục. Chua hơn là việc các ngôi sao cải lương xúi bầu sô đuổi hoặc cắt lương người hát lót, có nhiều trường hợp chỉ vì gặp “ngôi sao” mà không chào, hoặc gặp những fan của “ngôi sao” mà không niềm nở”.
Hát lót kiêm tiếp viên
Chúng tôi đã từng chứng kiến những buổi vãn hát, nghệ sĩ hát lót thường phải kiêm luôn vai trò tiếp viên cho các ông, bà bầu. K.M.G, cô đào hát lót cho một đoàn cải lương ở tỉnh Sóc Trăng, than: “Vì tủi cực, một số nghệ sĩ hát lót ở tỉnh đã thả đời mình theo men rượu. Cứ vãn hát là gầy độ. Trước giờ tập tuồng cũng nhậu lai rai vài ly. Thậm chí, có người lên sân khấu say bí tỉ, hát cương, diễn ẩu, mặt mày đỏ ké, nhếch nhác”. Do đó không chỉ có nam nghệ sĩ hát lót nghiện rượu mà một số nữ nghệ sĩ cũng trở thành “đệ nhất tửu đào”.
Một lần, tại sân bãi Rạch Giá, Kiên Giang, anh kép hát lót H.K đứng ra bênh vực một đồng nghiệp nữ đã bị bọn đầu gấu đánh đến trọng thương. ở gánh hát của bầu M.K, chúng tôi nhớ hoài hình ảnh một nữ nghệ sĩ hát lót phản ứng chuyện một ông khách là bạn của ông bầu khi uống say đòi tốc váy cô lên, lập tức cô bị ông khách bất nhã tát một cái đau điếng. H.K bị đuổi việc còn cô đào nói trên cũng bị “đì” không cho ra sân khấu.
Đến bến sông Ninh Kiều - Cần Thơ, những đêm diễn ra Hội diễn Sân khấu đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi chứng kiến cảnh nữ nghệ sĩ K.L - chuyên hát lót cho một gánh hát đại bang - ngồi tiếp rượu 10 đại gia. Đến lúc ngà say, chị nhảy lên ghế nhảy múa, mặc cho khán giả, du khách đến tham quan bờ sông Ninh Kiều nhìn chị với đôi mắt khinh rẻ. Trước đây, K.L có chồng làm bầu gánh hát. Vì gánh hát ế ẩm, người đàn ông phụ tình cuỗm hết tài sản bỏ trốn, để lại cho chị khoản nợ trên 100 triệu đồng. Chị phải bán tất cả nữ trang để trả nợ. Có những đêm đói khát, chị phải hái lá khoai mì luộc chấm muối ăn. Giờ đây, chấp nhận cuộc đời hát lót, chị lấy rượu, bia và những cuộc vui trong men say để quên sầu. Nhiều đồng nghiệp thừa nhận, khi lên sân khấu K.L là một nữ nghệ sĩ có tài, chị đóng rất hay những vai đào thương nhưng vì cứ mượn rượu giải sầu nên vóc dáng của chị ngày càng tiều tụy, mặt mày xanh xao, làn hơi không còn trong trẻo.
Nam nghệ sĩ G.T ở đoàn Bạc Liêu năm nay đã 40 tuổi, có bao nhiêu tiền đều đổ vào sửa sắc đẹp. Nói với chúng tôi, G.T thoáng buồn: “Hát lót cũng có giá trị của nó. Ra sân khấu xấu quá khán giả chê. Phải ráng làm đẹp để còn được hát vài năm nữa. Có lần tôi bị một ngôi sao cải lương mắng: “Đã hát dở mà còn xấu, mày chỉ có nước đi móc bọc để sống”. Quá tự ái tôi gom hết tiền đi làm đẹp”. Còn nam nghệ sĩ B.C của một đoàn hát ở Vĩnh Long cho biết: “Đời tôi cơ cực lắm, đã có lúc lâm vào hoàn cảnh thiếu nợ phải đi bán máu để nuôi gia đình. Giờ thì đi hát lót mỗi đêm cũng tìm được vài chục ngàn nuôi vợ, con. Vất vả nhưng sống tạm được với nghề”.
Vợ và con gái của B.C cũng đi theo gánh hát, mỗi đêm làm công việc soát vé rồi bán trà đá dạo cho khán giả vào sân bãi. Chúng tôi được B.C giới thiệu một nghệ sĩ ngày trước hát rất hay nhưng vì là bạn của ma men nên giờ làm gác cửa. Vợ của B.C nói nhỏ với chúng tôi: “Có nhiều đêm vãn hát, khi nghệ sĩ ai cũng đi ngủ thì anh ấy lên sân khấu múa hát một mình trong bóng tối. Anh ấy tiếc nuối quãng đời đi hát nhưng đã trễ rồi”.
Thanh Đông