Vừa qua, Báo SGGP có đăng loạt bài về “Giảm tải cho bệnh viện (BV) tuyến trên” phản ánh tình trạng người bệnh từ các tỉnh, thành khác đổ xô về TPHCM để khám chữa bệnh, trong khi BV các tỉnh, BV tuyến huyện đã được đầu tư, nâng cấp, có khả năng chữa trị bệnh nặng. Sau khi báo đăng, Báo SGGP đã nhận được ý kiến phản hồi từ lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo một số BV tại ĐBSCL.
Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng: Thay đổi cung cách phục vụ
Từ khi thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế về luân chuyển cán bộ từ các BV tuyến trên xuống hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới, chất lượng khám chữa bệnh nhiều nơi ở ĐBSCL đã cải thiện nhiều. Như Sóc Trăng, được BV Chợ Rẫy (TPHCM) cử cán bộ xuống trực tiếp cùng các bác sĩ BV tuyến tỉnh khám chữa bệnh cho người dân.
Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, đào tạo tại chỗ trên đã giúp nâng cao chuyên môn cho bác sĩ BV tỉnh và phần nào giảm số bệnh nhân phải chuyển tuyến. Về phía BV tỉnh cũng chuyển giao nhiều kỹ thuật cho tuyến huyện, xã để giữ chân người bệnh ngay từ tuyến dưới, tránh đầu tư nhiều mà không hiệu quả.
Cung cách phục vụ ở các BV cũng phải thay đổi, nhất là BV công. Phải thường xuyên gặp gỡ thân nhân người bệnh để tư vấn cho họ biết tình hình sức khỏe bệnh nhân; tránh phải chuyển viện xa tốn kém. Hơn nữa, các BV ở ĐBSCL cũng cần phải mở thêm dịch vụ để phục vụ tốt hơn. Hiện khâu dịch vụ ở các BV tuyến tỉnh còn rất yếu.
Ngay như ở BVĐK Sóc Trăng, chỉ có 2 phòng dịch vụ với 5 giường là quá ít. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân đòi chuyển viện vì “ngán ngẩm” phòng bệnh nhếch nhác, cung cách phục vụ lơ là… tìm đến các BV tuyến trên hay BV tư nhân có các dịch vụ tốt hơn.
Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc BVĐK Cần Thơ: Đầu tư thiết bị, kỹ thuật mới
Để thu hút được người bệnh, các BV phải triển khai và thực hiện thuần thục những kỹ thuật mới. Khi chất lượng điều trị ở tuyến dưới đảm bảo, người bệnh sẽ đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian lên tuyến trên. Ví như trước đây phải mổ hở thì hiện nay đã mổ bằng phương pháp nội soi, nên bây giờ ít bệnh nhân chịu mổ hở khi bệnh của họ có thể mổ nội soi.
Ở Cần Thơ hiện nay, phẫu thuật nội soi đã rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều kỹ thuật cao khác như điều trị về tim mạch, ung thư… so với TPHCM vẫn không thể sánh bằng. Vì vậy, các BV phải thường xuyên cử cán bộ đi học tập để nâng cao chuyên môn. Về phía các địa phương cũng cần ưu tiên hơn để có nguồn ngân sách đầu tư trang thiết bị hiện đại cần thiết như: máy nội phụ khoa, niệu, ngoại, siêu âm màu, X Quang kỹ thuật số, chụp CT – Scaner…
Có như vậy, chất lượng điều trị mới cải thiện được. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, các BV tuân thủ quy định cử bác sĩ trực đúng quy định, tránh tình trạng bác sĩ trực phải bao sân cả những việc mình không chuyên sâu.
PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ: Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu ở ĐBSCL
Hiện nay nước ta có 3 trung tâm y tế chuyên sâu ở Hà Nội, TPHCM và Huế. Vì vậy, trong tương lai, việc xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu tại ĐBSCL là cần thiết. Trung tâm này phải bao gồm cả khâu đào tạo, các chuyên khoa sâu như tim mạch, ghép tạng, ung thư…
Nhân lực và thiết bị ở trung tâm này phải đảm bảo thực hiện được những kỹ thuật mà các BV trong vùng không làm được. Chỉ có xây dựng được trung tâm y tế chuyên sâu mới giúp ĐBSCL dần thu hẹp khoảng cách về chất lượng điều trị với TPHCM; đồng thời thu hút nhân lực giỏi ở lại công tác.
Hiện TP Cần Thơ là nơi phù hợp để xây dựng vì được xem là trung tâm của cả vùng. Và khi người bệnh tin tưởng điều trị ở các BV trong vùng, tự khắc sẽ giảm tải cho các BV TPHCM.
ĐÌNH TUYỂN ghi
| |
|