Tình hình khó khăn hiện nay khiến rất nhiều lao động rơi vào tình cảnh mất việc. Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ 2% đã gây nên những hoài nghi. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh con số này và những vấn đề đặt ra trong loạt bài “Thất nghiệp thấp - phần nổi của tảng băng”đăng trên Báo SGGP ngày 13, 14-6-2013.
- Phóng viên: Theo bà, con số 2% thất nghiệp trong bối cảnh hiện nay có phản ánh chính xác?
>> Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Thực ra, ở các nước, tỷ lệ thất nghiệp chính là thất nghiệp ở đô thị. Ở nông thôn gọi là thất nghiệp không phù hợp. Nông thôn Việt Nam càng điển hình cho chuyện đó. Lao động nông thôn chỉ thiếu việc làm, gọi là thất nghiệp thì không phù hợp với thực tế diễn ra.
Ngay cả nếu ta dùng tỷ lệ thất nghiệp đô thị để gọi là thất nghiệp chung thì cũng chưa đúng vì tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Cho nên, con số mà Chính phủ đưa ra hàng năm để báo cáo Quốc hội vẫn phải xem lại nguồn gốc, cách thức tính. Về công thức tính, Việt Nam cũng giống các nước khác (tỷ lệ người thất nghiệp/tổng số lao động). Vấn đề là đầu vào - tức con số thất nghiệp đã chính xác hay chưa, điều này phải xem lại.
Hiện nay, Việt Nam đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đó cũng là cơ sở để có con số đúng. Nhưng đó cũng chưa phải là con số chính xác hoàn toàn, vì có nhiều lao động thất nghiệp nhưng không đăng ký, không nhận trợ cấp. Bên cạnh đó, lại có tình trạng không thất nghiệp nhưng vẫn đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp. Vì vậy, con số đầu vào cần phải được chuẩn mực để có được con số đáng tin cậy. Mặt khác, khi tính thì cơ quan thống kê họ tính mẫu, nhưng liệu đã chọn mẫu chuẩn hay chưa? Vì hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp thể hiện rõ nét ở vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng, nên nếu chọn mẫu không hợp lý có thể đưa ra con số sai, tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp đi.
- Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có tiến hành khảo sát tỷ lệ lao động thất nghiệp?
Hàng năm, ủy ban đều chất vấn Bộ LĐTB-XH về vấn đề lao động thất nghiệp, nhưng nói thật là chưa bao giờ ủy ban cảm thấy yên tâm về con số này. Năm nay, chúng tôi vẫn đặt lại, nhưng các cơ quan chức năng cũng chỉ trả lời đến thế. Còn thực tế, tỷ lệ lao động thất nghiệp đang tăng dần lên theo con số đăng ký. Cụ thể, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,9 triệu người (năm 2011) lên 8,3 triệu người (năm 2012). Số người được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm 2010, 2011, 2012 tăng rất nhanh, từ 145.000 (năm 2010) lên 410.000 (năm 2011) và 461.000 (năm 2012).
Nếu tới đây số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ hơn (hiện nay mới chỉ khoảng 8 triệu lao động tham gia, chiếm 50%) thì đến lúc đó Việt Nam sẽ có con số tin cậy hơn về thất nghiệp.
- Còn trong bối cảnh hiện nay, bà đánh giá thế nào về tình trạng thất nghiệp?
Nhìn vào mức độ doanh nghiệp bị dừng hoặc phá sản và con số doanh nghiệp báo lỗ thì chắc chắn không thể nào không tác động đến việc làm, thất nghiệp của lao động. Nhưng ở Việt Nam có điểm đặc biệt là khu vực nông thôn rất rộng lớn, với 70% dân số. Vì vậy, nông thôn vẫn đang là nơi trú ẩn an toàn để khi lao động mất việc làm thì họ lại quay về nông thôn. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi mãi xem nông thôn là khu vực trú ẩn an toàn thì liệu có đúng không? Về chính sách vĩ mô, không nên quan niệm như thế.
Nông thôn chỉ nên là nơi trú ẩn an toàn để đỡ gây xáo trộn xã hội, còn nhìn góc độ từng người lao động thì sẽ thấy rất khó khăn. Họ đang có công ăn việc làm nhưng bị thất nghiệp, mất thu nhập, phải về sống chung trong một hộ có thu nhập từ nông nghiệp, thì rõ ràng đã làm giảm sút thu nhập của gia đình đó. Có thể họ không kêu, nhưng không có nghĩa là họ không khó khăn.
- Vậy đâu là hướng ra cho vấn đề việc làm hiện nay?
Khôi phục nền kinh tế càng nhanh càng tốt để người lao động sớm quay lại thị trường lao động, với thu nhập ổn định, an toàn. Ngoài ra, cần phải sớm nghiên cứu các chính sách vĩ mô để bảo vệ người lao động khỏi những cú sốc kinh tế.
| |
| |
PHAN THẢO (thực hiện)