Phản hồi loạt bài “TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe?”: Cơ quan có trách nhiệm chưa làm hết trách nhiệm

Ngay sau khi Báo SGGP đăng tải loạt bài TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe? phản ánh tình trạng quá tải bãi đậu xe đã biến nhiều dạ cầu, “đại công trường”, lòng lề đường của TPHCM trở thành bãi đậu xe có phép, không phép; cùng với những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư bãi xe hiện nay, chúng tôi đã nhận được các thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cơ quan giám sát của TP làm rõ hơn nguyên nhân, trách nhiệm, hiến kế giải pháp cho vấn đề này.
Phản hồi loạt bài “TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe?”: Cơ quan có trách nhiệm chưa làm hết trách nhiệm

Ngay sau khi Báo SGGP đăng tải loạt bài TPHCM: Lối thoát nào cho bãi đậu xe? phản ánh tình trạng quá tải bãi đậu xe đã biến nhiều dạ cầu, “đại công trường”, lòng lề đường của TPHCM trở thành bãi đậu xe có phép, không phép; cùng với những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư bãi xe hiện nay, chúng tôi đã nhận được các thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cơ quan giám sát của TP làm rõ hơn nguyên nhân, trách nhiệm, hiến kế giải pháp cho vấn đề này.

* Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM: Xử lý thiếu kiên quyết

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế TPHCM là thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ. Hoạt động của các ngành dịch vụ này phải đảm bảo các yêu cầu, trong đó có yêu cầu không làm ảnh hưởng đến giao thông TP. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực dịch vụ hoạt động hiện nay đã vi phạm quy định này. Dễ thấy nhất là hoạt động của các hãng taxi khi doanh nghiệp không đảm bảo bến bãi nên nhiều năm qua đã chiếm dụng rất nhiều lòng lề đường để làm bãi, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Nhiều cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… theo quy chuẩn xây dựng phải đảm bảo diện tích tầng hầm để xe phục vụ hoạt động của những tòa nhà này. Nhưng thực tế như Báo SGGP nêu, vì chi phí đầu tư tầng hầm cao nên rất nhiều tòa nhà khi xây dựng đưa vào khai thác không đảm bảo quy chuẩn này. Nghĩ cho mình, nhà đầu tư đẩy trách nhiệm ra xã hội để lòng lề đường gồng gánh bãi xe phục vụ các tòa nhà đó.

Để xảy ra và tồn tại những sai phạm này, cho thấy cơ quan quản lý nhà nước thiếu kiên quyết xử lý, đặc biệt là Thanh tra Giao thông trong việc lập lại trật tự lòng lề đường; ngành xây dựng trong kiểm tra, phát hiện, xử lý các công trình xây dựng không đảm bảo diện tích để xe theo quy chuẩn của ngành. Một vấn đề khác báo nêu, ở những khu vực đã được đầu tư bãi xe cao tầng được đầu tư đảm bảo hoạt động an toàn cho người gửi nhưng nhà đầu tư không sống nổi do tồn tại bãi xe trái phép quanh khu vực thì đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Bãi xe tại UBND phường Đakao (quận 1) chiếm cả lề đường.

* Thượng tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Sở PCCC TP): Sẽ kiểm tra an toàn PCCC tất cả bãi xe dưới dạ cầu

Từ phản ảnh của Báo SGGP chúng tôi sẽ triển khai đợt kiểm tra an toàn PCCC tất cả bãi xe dưới dạ cầu trên địa bàn TPHCM để báo cáo UBND TP vì đây là vấn đề mới phát sinh.

Nếu nói về luật, theo quy định tại khoản 11, điều 10, chương 3 về sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Thông tư 39 do Bộ GTVT ban hành ngày 18-5-2011 thì không tổ chức, cá nhân nào được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Quy định này cũng nói rõ, trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý. Riêng Bộ GTVT quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị đó, trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh. Sở GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi giữ xe tạm thời này phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.

Như vậy, rõ ràng đối với các dạ cầu mà Báo SGGP phản ánh khi tổ chức bãi giữ xe tạm, phải được sự cho phép của UBND TPHCM, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT. Khi được sự chấp thuận của UBND TP, các đơn vị tổ chức bãi giữ xe tạm dưới dạ cầu phải trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện PCCC theo quy định tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890: 2009 là bãi đậu xe đặt dưới gầm cầu phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động. Tôi không rõ là Sở GTVT đã xin phép UBND TP để cho các đơn vị trên được tổ chức giữ xe tạm dưới gầm cầu chưa. Tuy nhiên, đến thời điểm này đơn vị PCCC chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào của các chủ bãi xe dưới gầm cầu đăng ký thực hiện an toàn PCCC.

* Đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân: Giải quyết vấn đề từ giá

Loạt bài “TPHCM - Lối thoát nào cho bãi đậu xe?” đặt ra khá đầy đủ thực trạng hoạt động bãi đậu xe tại TPHCM hiện nay. Rõ ràng, TP chưa có sự đầu tư khoa học hệ thống bến bãi phục vụ hệ thống giao thông tĩnh. Tới đây, nhiều công trình ở trung tâm TP được khai thác, trong đó có hệ thống metro, vì vậy vấn đề này cần được đặt ra, giải quyết nghiêm túc.

Tôi ủng hộ xu hướng đầu tư bãi đậu xe nổi, đây là kinh nghiệm của nhiều TP lớn trên thế giới. Tòa nhà của họ vừa hoạt động thương mại vừa kinh doanh dịch vụ bãi đậu xe. Tôi không nghĩ trung tâm TPHCM đã hết đất để đầu tư bãi xe công cộng. Vấn đề là chính quyền TP có chính sách đột phá gì về tài chính để hấp dẫn đầu tư. Hay như mới đây, HĐND TP đã biểu quyết thông qua tờ trình để UBND TP thực hiện kêu gọi nhà đầu tư cho dự án “khu đất vàng” Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp (quận 1), TP có thể ràng buộc thêm trách nhiệm của nhà đầu tư đối với khu đất này là ngoài đầu tư bãi xe phục vụ cho hoạt động tòa nhà thì phải dành diện tích nhất định giữ xe cho khu vực trung tâm. Việc này hoàn toàn có thể làm được. Nguyên tắc xây dựng bãi xe công cộng phải tính toán cự ly 300 - 500m, từ chỗ gửi xe đến điểm đến.

Để bãi xe tồn tại được, phải giải quyết bài toán về giá giữ xe. Một bãi xe doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì giá giữ xe quy định cũng phải tương ứng với số tiền doanh nghiệp đã đầu tư. Quy định này cũng tạo ý thức cho người gửi không chiếm dụng để xe trong bãi quá lâu, vì gửi lâu giá cao, để nhường chỗ người khác vào gửi. Một thực tế quá vô lý hiện nay khi tại trung tâm TPHCM, giá gửi ô tô dưới lòng đường do nhà nước thực hiện giá quá “bèo”, chỉ 5.000 đồng/lượt, thấp hơn phân nửa giá giữ xe máy, thực trạng này tồn tại chắc nhà đầu tư bãi xe không sống nổi.

* Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú: Các bãi xe tạm bợ sẽ giảm trong tương lai

Vừa qua chúng tôi đã kiểm tra 114 địa điểm kinh doanh bãi giữ xe trên địa bàn quận Tân Phú và phát hiện 26 bãi trái phép, không phép. Đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, buộc ngừng kinh doanh và hướng dẫn họ đi đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Thực tế khi phát hiện bãi xe trái phép, chúng tôi chỉ xử phạt chứ chưa thể dẹp vì còn vướng luật. Các vi phạm chủ yếu là về xây dựng, PCCC, mà cụ thể là có bình chữa cháy nhưng không sử dụng được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mạnh tay xóa bỏ những bãi xe trái phép, tạm bợ.

Riêng bãi xe cao tầng Tiên Tiến là bãi xe có sự đầu tư bài bản, khép kín và hệ thống PCCC tốt. Tuy nhiên, về công suất hiện nay chỉ đạt được 30%, chúng tôi cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự thuận tiện cho khách hàng, giá, quảng bá… mà bài toán này chủ đầu tư phải tính toán phù hợp. Còn các bãi xe khác, vì có diện tích khá nhỏ nên tỷ lệ lấp đầy cao là đương nhiên.

Thực tế, những bãi xe hiện đại như Tiên Tiến rất cần và trong tương lai sẽ phát triển nhiều mô hình như vậy. Tuy nhiên, khi một người muốn kinh doanh bãi xe, họ thỏa mãn được các điều kiện thì phải cấp phép. Nhưng để đầu tư một bãi xe với diện tích lớn như Tiên Tiến thì khó vì quỹ đất của quận đã hết, mà người dân không đủ khả năng đầu tư.

Trước thực tế bãi đậu xe 10 tầng được Samco đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1) hoạt động ế ẩm mà Báo SGGP phản ánh, Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư bãi xe (Samco) được tổ chức tuyến vận tải khách phục vụ miễn phí để đưa đón khách gửi ô tô tại nhà xe cao tầng số 326 Võ Văn Kiệt (quận 1), theo lộ trình hoạt động: nhà xe cao tầng 326 Võ Văn Kiệt - Hồ Hảo Hớn - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu - Vòng xoay Quách Thị Trang - Trần Hưng Đạo - Yersin - Võ Văn Kiệt - nhà xe cao tầng 326 Võ Văn Kiệt. Chuyến đầu xuất bến từ 6 giờ 30, chuyến cuối xuất bến từ 18 giờ. Loại xe vận chuyển 40 chỗ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Samco cho biết, để tổ chức được hoạt động đưa đón khách miễn phí thì lượng khách gửi ô tô trong bãi phải từ 300 chiếc trở lên, hiện nay khách chỉ mới gửi 50 chiếc. Theo tính toán, chi phí vận chuyển khách miễn phí mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng.

VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục