Chống ngập nước là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM từ nay đến 2015. Mặc dù nhiều nơi đã hết ngập, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ tái ngập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng tái ngập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy khả năng kiểm soát ngập liệu có thực hiện được?
* Ông Nguyễn Ngọc Công: Có thể khẳng định ngay rằng, việc tái ngập là hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ và chuyên sâu. Thời gian qua, sau khi đưa vào vận hành dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé và hàng loạt hệ thống cống tại các quận trung tâm, kể cả những biện pháp cấp bách như dùng máy bơm tại nhiều điểm ngập như vòng xoay An Lạc, gần vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A, tình trạng ngập đã giảm hẳn. Hiện nay, khu vực các quận trung tâm như 1, 3, 5 đã giảm ngập do hệ thống thoát nước đã được kết nối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống cống chỉ mới đáp ứng việc thoát nước mưa ở lượng mưa 80ml. Nếu lượng mưa vượt mức này, thời gian mưa kéo dài cùng với triều cường, chắc chắn sẽ xảy ra ngập.
* Nhưng vùng ven, khu vực ngoại thành tình trạng ngập vẫn còn, giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
* Những biện pháp cấp bách chỉ dành cho trường hợp ngập cục bộ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập thường xuyên tại các khu vực quận 6, Thủ Đức cũng như tại một số quận đang bị ngập là phải xây dựng và cải tạo hệ thống tiêu thoát nước trên các trục đường chính cũng như các tuyến đường hẻm. Tuy nhiên, muốn giải quyết ngập các quận vùng ven cần có thời gian chứ không thể trong một vài năm là giải quyết được ngay.
Bên cạnh đó, TPHCM cần đầu tư nạo vét rạch xuyên tâm và hàng loạt con rạch khác; cải tạo, làm mới hàng trăm kilômét hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, đến nay các dự án này chưa thực hiện được. Vì thế, mùa mưa năm nay khó tránh khỏi tình trạng ngập lụt. Còn lại nhiều tuyến đường khác mặc dù đã lắp đặt xong cống, nhưng chưa kết nối thông suốt với toàn hệ thống khác nên phải chờ. Đó là chưa kể, trong quá trình thi công các dự án đã phá nhiều tuyến cống băng ngang hiện hữu, bịt các cửa xả không đảm bảo khả năng thoát nước, gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống thoát nước chung của TPHCM.
* Theo ông, cần có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng ngập khi mùa mưa đến?
* Để giải quyết bài toán ngập trên địa bàn thành phố, chúng ta cần có thời gian và các sở ban ngành cùng tham gia, chứ không thể giải quyết dứt điểm ngay được. Vì thế, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 tiểu dự án Hàng Bàng; khẩn trương hoàn thành dự án Tân Hóa - Lò Gốm do Ban Quản lý dự án Nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư. Khi đó mục tiêu chống ngập cho khu vực Bàu Cát quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6, 11 mới thật sự được giải quyết hoàn hảo.
Bên cạnh đó, các dự án thoát nước đang thực hiện cần nhanh chóng khắc phục ngay các vị trí thi công dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Tháo dỡ bao tải cát, đá, gạch, cừ tràm… trong lòng các tuyến cống và nạo vét các cửa xả để đảm bảo thoát nước.
* Đó là những biện pháp mang tính cấp bách. Về lâu dài, cần có thêm giải pháp nào để giải quyết tình trạng ngập ở thành phố, thưa ông?
* Hiện nay, TPHCM đang triển khai các dự án thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách và vốn ODA để giải quyết thoát nước mưa. Đối với vấn đề ngập do triều, hiện nay thành phố cùng với Bộ NN-PTNT đang triển khai quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Quy hoạch này bao gồm một hệ thống đê kè dọc sông Sài Gòn và các cống lớn trên các sông nhánh để ngăn triều từ sông Sài Gòn xâm nhập gây ngập những vùng đất thấp nội thị. Trước mắt, tập trung làm ngay 3 cống kiểm soát triều Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân và 158km cống nội thành.
TPHCM phải tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; hình thành 3 tuyến vành đai sinh học dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè quản lý việc san lấp, xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm hồ công cộng, đảm bảo diện tích các khu đất ngập nước, những nơi có địa hình thấp và tạo cảnh quan đô thị; khẩn trương hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2.000 trên địa bàn thành phố; lập quy hoạch tích hợp để giảm thiểu nguy cơ ngập một cách bền vững; xây dựng các trạm rada xác định chính xác thời điểm mưa, thời lượng mưa để cảnh báo khu vực nào, thời gian nào sẽ ngập. Đó là một số giải pháp lâu dài.
* Cảm ơn ông!
| |
QUỐC HÙNG thực hiện
- Thông tin liên quan:
>> TPHCM nỗ lực chống ngập
- Bài 1: Nhiều nơi đã hết ngập