Phản hồi từ cuộc sống

Phản hồi từ cuộc sống

LTS: Tuần san SGGP Thứ Bảy số ra ngày 18-3-2006 đăng chuyên đề về tình hình nghiên cứu và ứng dụng các dạng năng lượng mới (NLM) ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau khi báo phát hành, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến phản hồi của một số nhà khoa học. Tuần san SGGP Thứ Bảy xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu. 

Tiến sĩ Bùi Tuyên-
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ-ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
“Sử dụng năng lượng mặt trời để đun nấu” 

Phản hồi từ cuộc sống ảnh 1

Ts. Lê Hoàng Tố (phải) đang hướng dẫn chế tạo Modul Pin Mặt Trời tron phòng thí nghiệm SOLARLAB - Phân viện Vật lý TPHCM.

Nhu cầu nước nóng (dùng điện) cần phải quy hoạch sớm để thay thế bằng năng lượng mặt trời (NLMT). Chỉ riêng nước nóng cho sinh hoạt cũng tốn lượng điện năng rất lớn. Nếu bình quân mỗi người dân cần 20 lít nước 50 độ C mỗi ngày để tắm từ nguồn nước nhiệt độ trung bình khoảng 27 độ C thì tổng năng lượng cho 8 triệu dân TPHCM là 5,63 tỷ MJ/năm hay 1,57 tỷ kWh/năm, tương đương 140.000 tấn gas/năm, tính ra thành tiền là 67,5 triệu USD/năm.

Còn về bếp nấu, hiện tại đa số gia đình đều dùng bếp gas, tổng lượng gas nấu bếp của TPHCM ước tính 160.000 tấn/năm và sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới. Nếu chúng ta cung cấp cho nhu cầu nấu ăn bình quân mỗi người 3 lít nước 80 độ C mỗi ngày thì có thể giảm được 48.000 tấn gas hàng năm, tức là giảm 30% lượng gas tiêu thụ, tiết kiệm 23 triệu USD/năm. 

Tiến sĩ Nguyễn Thế Bảo
Bộ môn Công nghệ nhiệt - ĐH Bách khoa TPHCM
“Nên đánh thuế cao các bình nước nóng sử dụng điện”

Ngành xây dựng nên ban hành những quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả, NLM đối với các công trình xây dựng mới. Chẳng hạn như các căn hộ xây và khu dân cư mới phải có bình nước nóng dùng NLMT. Đánh thuế cao những mặt hàng bình nước nóng dùng điện nói riêng và các thiết bị sử dụng năng lượng không hiệu quả nói chung. Nguồn thu từ thuế này có thể được dùng để hỗ trợ cho đầu tư nghiên cứu và phát triển các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, trong đó có các thiết bị sử dụng NLM.

Bên cạnh đó, nên ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao và có tính đột phá, như công nghệ Nano để sản xuất ra pin mặt trời giá rẻ, công nghệ laser bán dẫn để sản xuất các thiết bị tiết kiệm năng lượng... Nên có một chương trình nghiên cứu khoa học riêng cho lĩnh vực NLM, khuyến khích nghiên cứu khoa học trong sinh viên, học sinh... 

PSG. TS Hồ Sơn Lâm
Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (Viện KH - CN Việt Nam)
“Nhiên liệu sinh học sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm” 

Việt Nam có tiềm năng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học. Về biodiesel, nước ta có nhiều nguồn nguyên liệu phong phú như cao su, dừa, sở, trẩu… Còn để sản xuất cồn nhiên liệu ta cũng có nhiều cánh đồng mía mênh mông trải dài từ Bắc đến Nam.

Nếu sản xuất được nguồn nhiên liệu từ những loại cây trên, không những ta đã nâng cao giá trị sử dụng của chúng, tạo ra một nguồn năng lượng mới, giảm đáng kể sự ô nhiễm môi trường mà còn đem lại nhiều ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc. Đó là thúc đẩy kinh tế nông thôn tăng tốc, cải thiện mức sống người dân và tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở khu vực này, bảo vệ rừng, phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn đất, giảm bớt thiên tai…

Tiến sĩ Lê Hoàng Tố
Giám đốc Trung tâm Năng lượng mới và Phát triển nông thôn (TPHCM)
“Sớm ban hành chính sách năng lượng mới cụ thể”

Lâu nay, các dự án và chương trình NLM được triển khai phần lớn là do các đơn vị tự tìm kiếm, xây dựng và triển khai chứ chưa nằm trong một quy hoạch tổng thể do một cơ quan chức năng của nhà nước điều hành. Do vậy, để hoạt động nghiên cứu và phát triển NLM đi vào bài bản, căn cơ, Việt Nam cần sớm có chính sách về phát triển NLM để định hướng mọi hoạt động trong lĩnh vực này. Nên có một cơ quan liên bộ chỉ đạo chung, thiết lập các chính sách cụ thể, rõ ràng.

Thêm nữa, cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho công tác nghiên cứu - triển khai, trợ giá cho các doanh nghiệp và người sử dụng NLM thông qua chính sách thuế, hỗ trợ giá cho người nghèo, vùng sâu vùng xa. Về kỹ thuật, cần quan tâm công tác đào tạo cán bộ trong nghiên cứu và triển khai, công tác bảo trì bảo dưỡng thiết bị sau lắp đặt… Cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia riêng cho NLM để bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư. Chính sách có rõ ràng thì mới khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị NLM.

LIÊM HOÀNG (ghi)

Tin cùng chuyên mục