Phản hồi về vi phạm môi trường tại Nhà máy sữa Thống Nhất: Nhiều điểm cần làm rõ

Những bức xúc của doanh nghiệp
Phản hồi về vi phạm môi trường tại Nhà máy sữa Thống Nhất: Nhiều điểm cần làm rõ

Ngày 9-1, Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết về những vi phạm môi trường tại Nhà máy sữa Thống Nhất thuộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ngay sau đó, báo đã nhận được phản hồi từ phía công ty. Theo đó, công ty cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải xem xét và đánh giá lại.

Những bức xúc của doanh nghiệp

Căn cứ theo dự thảo kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Đông Nam bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thì nước thải sau xử lý của Nhà máy Sữa Thống Nhất có 3 chất COD, BOD và SS không đạt tiêu chuẩn nước thải loại B. Ngoài ra, đối với khí thải (mẫu khí thải ống khói lò hơi công suất 3 tấn/giờ) có nồng độ khí SO2 không đạt tiêu chuẩn loại A. Trước đó, biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra còn xác định nhà máy chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.

Phản hồi về vi phạm môi trường tại Nhà máy sữa Thống Nhất: Nhiều điểm cần làm rõ ảnh 1

Dây chuyền sản xuất sữa tươi tại Công ty Vinamilk. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinamilk cho biết, công ty không đồng ý với dự thảo kết luận trên của đoàn kiểm tra. Cụ thể, Nhà máy Sữa Thống Nhất được Công ty Sữa Việt Nam (nay là Công ty Vinamilk) tiếp quản và đưa vào sản xuất từ năm 1971 cho đến nay.

Do vậy công ty không nằm trong diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, đến ngày 3-10-2008, sau khi Thông tư 05/2008/TT-BTNMT hướng dẫn lập đề án bảo vệ môi trường của Bộ TN-MT có hiệu lực, nhà máy đã tiến hành ký hợp đồng với công ty tư vấn thực hiện lập ĐTM. Hiện nhà máy đã liên hệ Sở TN-MT TPHCM xin phê duyệt đề án trên.

Riêng về chất lượng nước thải và khí thải, căn cứ vào kết quả đo đạc môi trường thực hiện bởi các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn độc lập, nước thải của nhà máy đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Cụ thể là kết quả của Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN-MT TPHCM lấy 28-8-2008; Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TPHCM 16-12-2008; Trung tâm Cosheps của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM và quan trắc hàng ngày của nhà máy đều cho thấy nước thải sau xử lý của nhà máy có nồng độ các chất BOD, COD, SS đều thấp hơn tiêu chuẩn quy định loại A. Tương tự, đối với khí thải, nồng độ các chất NO2, SO2, CO, bụi đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép loại A. Chính vì thế, công ty cũng kiến nghị đoàn kiểm tra xem xét lại các kết luận vi phạm đồng thời nhà máy xin được tái kiểm tra để đánh giá lại tính chính xác kết quả quan trắc môi trường. Mặt khác, xem xét lại kết luận của đoàn kiểm tra về việc nhà máy không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bà Hòa cho biết thêm, xung quanh vấn đề kiểm tra và xử lý vi phạm môi trường, hiện công ty đã đăng ký và được cấp chứng nhận ISO 14001:2004. Để có thể duy trì chứng nhận này, các nhà máy của công ty phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải hàng ngày. Bản thân mỗi nhà máy phải có công nhân trực tại hệ thống xử lý chất thải, đồng thời phải có nhật ký vận hành, xử lý chất thải để báo cáo. Riêng vấn đề về người dân phản ánh việc nhà máy để chảy tràn sữa ra ngoài là chưa chính xác, mà đó là do nhà máy trong quá trình vệ sinh xe, thiết bị chuyên chở, chế biến sữa nên nước thải có chảy tràn ra sân. Tuy nhiên, toàn bộ nước thải trên sẽ được đưa vào hệ thống thu gom và xử lý.

Công ty cũng bức xúc với cách xử lý vi phạm của đoàn kiểm tra. Bởi lẽ, đoàn kiểm tra đến làm việc, lấy mẫu phân tích ngày 9-9-2008, nhưng phải đến chiều ngày 6-12-2008 nhà máy mới nhận được dự thảo kết luận về những sai phạm môi trường. Điều đáng nói là trong dự thảo, đoàn kiểm tra yêu cầu đến ngày 8-12 (tức 2 ngày sau) buộc công ty phải có công văn trả lời. Nếu không thì cũng đồng nghĩa công ty chấp nhận những dự thảo kết luận vi phạm trên. Không chỉ vậy, mỗi năm công ty phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về môi trường. Vậy quy định về kiểm tra môi trường đối với doanh nghiệp là như thế nào?

Cần phân biệt giữa kiểm tra và thanh tra

Liên quan đến phản hồi cũng như bức xúc của bà Hòa, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM – đơn vị quản lý môi trường trên địa bàn thành phố. Ông Phước cho biết, trước hết về vấn đề công ty phản ánh có quá nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra vấn đề chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của nhà máy cần phải xem lại. Cần phải tách hai vấn đề thanh tra và kiểm tra. Nếu là kiểm tra thì có thể trong trường hợp nhà máy đăng ký cấp phép xả thải hay sổ chủ nguồn thải, nước ngầm, thu phí nước thải công nghiệp… thì trước khi cấp phép, cơ quan chức năng sẽ xuống cơ sở để kiểm tra hiện trạng.

Còn thanh tra thì theo quy định sẽ thực hiện thanh tra định kỳ 2 lần/năm. Trong đó kể cả trường hợp đoàn thanh tra do Bộ TN-MT chủ trì hay do Sở TN-MT chủ trì. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu thanh kiểm tra đột xuất trong trường hợp bị người dân khiếu kiện nhưng cũng không quá 1 lần/năm. Do đó, nếu doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều hoặc bị phiền hà thì có thể phản ánh trực tiếp với Sở TN-MT để được xem xét giải quyết.

Riêng đối với việc đăng ký ĐTM, sau khi có Luật Bảo vệ môi trường (năm 2003), trong đó quy định tất cả các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp đã, đang và sẽ đi vào hoạt động) chưa làm ĐTM phải đăng ký với cơ quan chức năng (Sở TN-MT đối với doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và Bộ TN-MT đối với doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn) để được phê duyệt ĐTM. Đến năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường có sửa đổi và Bộ TN-MT ban hành Thông tư 08 hướng dẫn cụ thể việc thực hiện ĐTM.

Do đó, tất cả các doanh nghiệp đều phải lập ĐTM. Riêng việc cùng một quy trình xử lý nhưng nhiều đơn vị chức năng lấy mẫu và đưa ra kết quả phân tích mẫu khác nhau thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, không ngoại trừ do cách thức lấy mẫu. Vì vậy để kết luận đúng hay sai, đạt hay không đạt thì phải đánh giá lại.

Ngoài ra, ông Phước cũng nhấn mạnh, trong năm 2009, để giảm thủ tục phiền hà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, Sở TN-MT sẽ xóa bỏ một số thủ tục như bỏ quy trình nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, thay vào đó sẽ tập trung kiểm tra chất lượng xử lý chất thải đầu ra. Nếu không đạt thì sẽ xử lý. Hơn nữa, với những doanh nghiệp có khối lượng chất thải nguy hại ít thì có thể không phải đăng ký sổ chủ nguồn thải. Bản thân doanh nghiệp được phép lưu giữ chất thải nguy hại đến một khối lượng nhất định nào đó mới chuyển giao cho đơn vị chức năng thu gom xử lý (thay vì như hiện nay phải thực hiện chuyển giao ngay) nhưng phải đảm bảo không để các chất thải nguy hại trên phát tán ra môi trường.

Ái Vân

Thông tin liên quan

- Nhà máy sữa Thống Nhất: Vi phạm việc bảo vệ môi trường

- Kiểm tra môi trường tại Nhà máy sữa Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục