Từ năm 2012 đến nay, TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các công trình giao thông cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Như phân làn, lắp đặt dải phân cách, biển báo, đèn tín hiệu giao thông và cải tạo, nâng cấp mở rộng hàng loạt tuyến đường… Nhờ đó, giao thông ở nhiều nơi trật tự hơn, tình trạng ùn tắc giao thông giảm hẳn. Tuy nhiên, nhiều nơi còn phân làn, phân luồng gây bất tiện cho người tham gia lưu thông.
Tai nạn giảm
Ngay từ đầu năm, UBNDTP đã chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện thực hiện ngay những việc liên quan đến vấn đề giao thông. Cụ thể, lắp đặt dải phân cách, bảng tín hiệu, biển báo giao thông phân làn, phân luồng, chấn chỉnh lòng đường vỉa hè… Chính vì thế, tình hình giao thông ở nhiều nơi trên địa bàn TP đã tốt hơn trước rất nhiều. Hàng loạt tuyến đường có lượng xe lưu thông đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông như quốc lộ 1, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, Cộng Hòa, quốc lộ 22… nhờ lắp dải phân cách nên giao thông trật tự và thông thoáng hơn.
Tuyến quốc lộ 1 trước đây được xem là cung đường đen về tai nạn giao thông. Sau khi phân làn và lắp đặt dải phân cách cứng, đoạn từ huyện Bình Chánh đến quận Thủ Đức không còn cảnh xe gắn máy lưu thông vào làn xe tải dù là giờ cao điểm, tình trạng va quẹt gây chết người đã chấm dứt.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều tài xế xe tải cho biết: “Từ ngày có dải phân cách, xe lưu thông nhanh hơn, không phải thắng gấp hay giật mình vì xe máy lách ra đột ngột như lúc chưa lắp dải phân cách. Tình trạng ùn tắc, số vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể. Trước đây trên tuyến này tai nạn xảy ra phần lớn do xe máy chạy vào làn xe tải”. Tương tự, hàng loạt tuyến đường tại các quận trung tâm sau khi lắp đặt dải phân cách, phân làn, gắn biển hiệu giao thông đã không còn cảnh lưu thông lộn xộn nữa. Thay vào đó là hình ảnh giao thông trật tự hơn như ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với Phùng Khắc Khoan, Cách Mạng Tháng Tám- Bùi Thị Xuân - Sương Nguyệt Anh - Tôn Thất Tùng…
Chưa đồng bộ
Việc phân làn đường nhằm lập lại trật tự kỷ cương giao thông trên địa bàn TPHCM là điều cần phải làm. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nơi phân làn, phân luồng lại gây ra bất tiện cho người tham gia lưu thông. Để khắc phục tình trạng kẹt xe do phân luồng trên đường Trường Chinh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã đưa toàn bộ các trạm nhà chờ xe buýt ra con lươn giữa đường, vì xe buýt không còn được chạy vào làn xe gắn máy như trước đây để đón khách trên vỉa hè. Chính vì thế, hành khách muốn đi xe buýt buộc phải băng ngang ra giữa đường, luồn lách qua giữa dòng xe gắn máy lao vun vút, rất dễ xảy ra tai nạn.
Ông Võ Thôi ngụ trên đường Trường Chinh phường 15, quận Tân Bình, đối diện trạm chờ xe buýt góc Trường Chinh - Phạm Văn Bạch, cho rằng việc phân luồng, phân làn và đặt trạm xe buýt như vậy không khác nào “gài” người đi xe buýt vào thế dễ bị tai nạn. Nhất là vào giờ cao điểm, xe gắn máy lưu thông kín mặt đường, hành khách phải giơ tay lên cao để xin đường, rồi len lỏi ra trạm xe buýt trong tâm trạng lo lắng đến thót tim vì xe cứ như đâm thẳng vào mình. Hiện nay, trên những tuyến đường nhiều làn xe, hành khách đi xe buýt với tâm trạng lo lắng như vậy còn diễn ra ở các tuyến đường như Võ Văn Kiệt, xa lộ Đại Hàn, xa lộ Hà Nội…
Mặc dù xa lộ Hà Nội và cầu Sài Gòn đã được phân làn bằng dải phân cách cứng cho xe ô tô và xe gắn máy, tuy nhiên do số lượng xe gắn máy buổi sáng quá đông nên thường xuyên diễn ra cảnh ùn tắc, trong khi 3 làn xe ô tô lại khá thông thoáng. Do làn đường dành cho xe hai bánh tại cầu Sài Gòn rất nhỏ hẹp nên lực lượng CSGT luôn có mặt để điều tiết cho xe gắn máy đi vào làn đường của ô tô. Nhờ đó các phương tiện lưu thông nhanh hơn qua “nút cổ chai” chân cầu Sài Gòn.
Lắp dải phân cách là việc phải làm, tuy nhiên, trước khi triển khai, Sở GTVT cần phải phân luồng và điều chỉnh hướng lưu thông sao cho hợp lý để hạn chế tình trạng ùn ứ. Hiện nay, không ít tuyến đường lắp đặt dải phân cách một cách “máy móc”, khiến giao thông rối thêm. Trong khi đó, việc kẻ vạch phân làn và các ký hiệu chỉ hướng, kẻ vạch sơn cho người đi bộ nhiều nơi khá lộn xộn và rất máy móc. Dù rất kỳ vọng với đề xuất mang tính đột phá này nhưng do tầm nhìn hạn chế, thực hiện cứng nhắc, không đánh giá chính xác tình hình thực tế của mỗi con đường nên việc phân luồng ở một số nơi chưa thật hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín từng khẳng định trong các cuộc họp về an toàn giao thông trên địa bàn TP, việc phân luồng, phân làn là việc làm thường xuyên và kiên trì, nếu thấy chưa phù hợp thì sửa ngay. Tuy nhiên, không thể thực hiện theo một cách máy móc, tức không thể đường nào cũng lắp dải phân cách mà phải căn cứ vào tình hình thực tế, nghiên cứu một cách khoa học.
QUỐC HÙNG