Ở nhiều nước, tái chế phế liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Thấy được hiệu quả từ ngành công nghiệp này, TPHCM đã triển khai việc phân loại rác tại nguồn từ năm 1999. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thành công như mong đợi.
Vạn sự khởi đầu nan
Việc phân loại rác tại nguồn cũng đã được thực hiện thí điểm từ năm 1999 đến năm 2001 tại TPHCM nhưng chưa thật sự khả quan. Vào thời gian đó thành phố chưa xây dựng được hệ thống quản lý chất thải rắn một cách đồng bộ nên sau khi ra khỏi gia đình, các loại rác đã được phân loại lại được đổ vào vận chuyển chung. Do vậy chương trình bị thất bại. Đến năm 2001, TPHCM tiếp tục triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn ở 6 quận - huyện, gồm: quận 1, 4, 5, 6, 10 và huyện Củ Chi với tổng kinh phí khoảng 284 tỷ đồng. Lần triển khai thứ 2 được Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với các quận đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, mỗi hộ dân được cấp 2 thùng đựng rác. Từ đó, số lượng hộ dân tham gia và thực hiện đúng kỹ thuật phân loại rác tăng từ 20% - 30% lên đến 60% - 70%. Tuy nhiên chương trình này lại một lần nữa bị đánh giá không thành công vì các quận không có đủ tài chính để tự trang bị xe thu gom rác đã được phân loại.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chỉ riêng Hà Nội và TPHCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng. |
Mãi cho đến nay, sau 3 năm kể từ khi nhà máy phân loại tái chế của Công ty VWS đã hoàn thành nhưng vẫn “trùm mền” vì không có rác phân loại tại nguồn để vận hành nhà máy. Thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn không chỉ gây tổn thất cho VWS mà còn lãng phí nguồn tài nguyên bởi đến nay hàng ngày rác vẫn cứ phải đem đi chôn lấp.
Cứ đi ắt sẽ đến
Tại Việt Nam, việc phân loại rác tại nguồn từ khi thực hiện thí điểm đến nay đã trên dưới 10 năm, nhưng so sánh với nhiều nước thì đây cũng chỉ là bước khởi đầu. Ở Mỹ, để người dân có thói quen phân loại rác tại nguồn, chính quyền cũng phải tuyên truyền, vận động suốt hơn 50 năm. Mỗi năm, những công ty tái chế rác thải ở quốc gia này đều trích một phần ngân sách để tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông, phát tờ rơi kèm giấy trả tiền hàng tháng để giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải mang lại lợi ích cho chính họ và cho xã hội. Đặc biệt, họ còn quan tâm giáo dục thế hệ trẻ bằng cách thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan nhà máy cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học, để giúp các em hiểu rằng, rác là nguồn tài nguyên có thể tái sinh, mang lại lợi ích cho xã hội, đất nước.
Ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc VWS, chia sẻ: “Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã sớm thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng chưa đồng bộ. Đối với TPHCM, chúng tôi sẵn sàng hợp tác bằng các hình thức có thể để cùng thành phố nhân rộng chương trình phân loại rác tại nguồn tới cộng đồng dân cư”.
Phân loại rác tại nguồn là một chuỗi hoạt động có sự đồng nhất giữa các khâu: phân loại, thu gom và xử lý. Ngoài sự tham gia tích cực của người dân, sự chỉ đạo, phối hợp, giám sát giữa các ban ngành, cũng cần chú trọng đến các khâu như: phân loại rác từ các hộ gia đình, bỏ rác, thu gom rác tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển... Có đồng bộ như vậy mới có thể biến rác thành tài nguyên trong tương lai gần.
Việc tái chế tại các nước: Theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu Mỹ (ISRI), mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ đóng góp cho nền kinh tế nước này trên 90 tỷ USD, chiếm 0,6% GDP và tạo ra gần 460.000 việc làm. |
ĐĂNG QUANG