Không biết có phải do hội đồng thẩm định phim quốc gia gần đây “khó tính” hơn hay các nhà sản xuất đang dễ dãi chạy theo nhu cầu tầm thường của một bộ phận khán giả, mà hàng loạt phim Việt nối nhau ra rạp bị gắn mác NC16+ (cấm trẻ em dưới 16 tuổi). Có vẻ như điện ảnh Việt đang tìm mọi cách “bung ra”, phá bỏ những điều xưa cũ, tìm lấy hướng đi mới để lôi kéo khán giả đến rạp và hội đồng thẩm định đang cố gắng giữ lấy những gì thuộc về bản lề, cố gắng giữ lấy vai trò định hướng người xem.
Giới hạn của phân loại phim
Nếu các nước khác có quy định rõ ràng về phân loại phim, với từng độ tuổi được vào rạp xem phim gì, thì tại Việt Nam hiện nay, việc phân loại phim chỉ dừng ở hai mức: Cho phép phổ biến rộng rãi hoặc Cho phép phổ biến với điều kiện cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Có lẽ vì thế, thời gian qua đã có những bộ phim bị gắn NC16+, nhưng khi xem phim, khán giả nhận thấy phim chưa đến mức phải chịu “án” này! Ngược lại, cũng có những bộ phim, dù đã được “cắt gọt” và dán mác 16+, nhưng khi xem vẫn thấy khó chịu, ngượng ngùng vì hình ảnh và lời thoại vẫn thô, một vài cảnh “nóng” vẫn làm người xem “đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái”! Ngay cả với phim hài, chuyện này cũng không phải hiếm!
Những cảnh “nóng”, cảnh nhạy cảm và đâm chém bạo lực đã khiến một số phim bị dán mác NC 16+, cao hơn là bị cấm phát hành trong thời gian qua.
Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhìn nhận: “Có phim, nếu được phân loại hợp lý hơn thì chỉ cấm trẻ em dưới 13 tuổi. Một số phim phân loại 16+ là thỏa đáng, một số khác hơi bị nặng, nhưng nếu cho phép phổ biến rộng rãi thì không ổn”. Hai năm lại đây, hàng loạt phim Việt ra rạp bị gắn NC 16+, như: Tèo em, Mất xác, Scandal - Hào quang trở lại, Quả tim máu, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù, Hương ga, Lạc giới, Để mai tính 2, Chung cư, Bước khẽ đến hạnh phúc... và mới đây nhất là Siêu nhân X. Trong số các phim này, hai phim hài dù cấm trẻ em dưới 16 tuổi, nhưng đã đạt doanh thu “khủng” đến nay vẫn chưa có phim nào “qua mặt” là Tèo em - thu về hơn 80 tỷ đồng và Để mai tính 2 thu về hơn 90 tỷ đồng. Những con số này lại đặt ra nghi vấn, liệu rằng việc cấm trẻ em dưới 16 tuổi có thật sự được các rạp thực hiện nghiêm túc hay không?!
Trả lời câu hỏi: “Vì sao dạo này nhiều phim Việt, kể cả phim hài bị gắn mác NC 16+?”, biên kịch Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim quốc gia nói: “Vì phim có nhiều cảnh yêu đương hoặc đâm chém máu me! Cấm thì sợ bảo độc đoán, phim không ra rạp được, chết nhà sản xuất, nên thôi cứ dán mác NC 16+ cho an toàn”. Có lẽ, cái khổ của “làm dâu trăm họ” chính ở chỗ phải “dán NC 16+ cho an toàn!”. Nhưng hội đồng thẩm định dán mác NC 16+, còn khâu kiểm soát khán giả lại thuộc trách nhiệm của rạp chiếu phim!
Diễn viên Mai Thu Huyền - nhà sản xuất phim Lạc giới cũng nhìn nhận: “Thời gian gần đây nhiều phim Việt đã bị dán mác NC 16+, việc này cũng có hai mặt: Mặt tốt là nhiều bộ phim có nội dung nhạy cảm vẫn được phép chiếu, chứ không bị cấm luôn, nên không tạo áp lực cho nhà sản xuất và khán giả có cơ hội xem phim. Tuy nhiên, có nhiều phim nội dung cũng không có gì vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng bị gắn mác NC 16+ nên là một sự thiệt thòi cho nhà sản xuất khi bị hạn chế đối tượng khán giả. Bởi hiện nay, phần đông khán giả đến rạp thuộc lứa tuổi teen”. Có lẽ vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, cái nhìn và nhận định của hội đồng thẩm định đôi khi không cùng suy nghĩ với nhà sản xuất!
Chờ thông tư
Không chỉ phim giải trí mới khai thác cảnh “nóng”, cảnh bạo lực với mục đích câu khách, mà ngay với rất nhiều phim được xếp loại phim nghệ thuật vẫn có những cảnh này. Và vì thế, việc “cắt gọt” sao cho phù hợp văn hóa, phong tục nhưng vẫn giữ được sự logic, tính hấp dẫn của phim, đã đặt Hội đồng thẩm định vào tình thế rất khó khăn. Bộ phim Đập cánh giữa không trung trước khi đến được với các liên hoan phim quốc tế đã buộc phải cắt bỏ một số cảnh nhạy cảm, lời thoại chưa phù hợp theo yêu cầu của hội đồng thẩm định (trước đó có Chơi vơi); Bi, đừng sợ... Thời gian qua, nhiều bộ phim dán mác NC 16+ khi công chiếu, đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của số đông khán giả.
Được biết, các thành viên hội đồng thẩm định đều trong tinh thần ủng hộ cái mới, ghi nhận sự đóng góp của lớp đạo diễn trẻ, nhưng phải định hướng để họ không đi quá đà. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất, đạo diễn cho rằng, việc thẩm định phim cần cụ thể, rõ ràng hơn.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Ở Mỹ, người ta thuê Hiệp hội phụ huynh để tham khảo. Chính phụ huynh là những người quyết định dán mác thế nào và sau đó người ta biểu quyết”. Nhưng nếu áp dụng việc này ở Việt Nam là không thể, vì chúng ta làm gì có hiệp hội ấy! Thực tế, rất khó đoán định bạo lực đến đâu thì được, lời thoại ở mức độ nào gọi là phản cảm, máu me nhiều ít ra sao, cũng như cảnh “nóng”, cảnh sex thế nào thì vừa...! Và vì thế, luôn có sự “chênh”, khó thống nhất trong đánh giá mức độ phân loại phim giữa hội đồng thẩm định và nhà sản xuất, đạo diễn!
Nhận thấy sự cần thiết phải có những quy định cụ thể trong việc phân loại phim, hiện nay, Cục Điện ảnh đang được Bộ VH-TT-DL giao chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại phim để áp dụng trong quá trình thẩm định và cấp phép phổ biến phim. Theo kế hoạch, đến quý 3-2015, thông tư này sẽ được ban hành. “Hy vọng, khi thông tư ra đời sẽ khắc phục được một số bất cập trong phân loại phim hiện nay” - bà Ngô Phương Lan chia sẻ.
Theo bà Ngô Phương Lan, những cảnh sẽ bị loại khỏi phim gồm: Cảnh đặc tả, kéo dài hành động bạo lực gây ra đau đớn, bị thương, máu me; dung dưỡng thái độ ngỗ ngược, vô cảm trước các hành động bạo lực; những cảnh đặc tả, kéo dài cảnh khỏa thân có liên quan đến tình dục hoặc đặc tả và kéo dài sinh hoạt tình dục (kể cả thông qua âm thanh); những cảnh miêu tả kéo dài việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích bất hợp pháp và kích thích sử dụng những sản phẩm này đối với trẻ em; những cảnh có hình ảnh và âm thanh kinh dị, rùng rợn liên quan đến tra tấn, giết người; những cảnh sử dụng những ngôn ngữ thô tục hoặc nhạy cảm về văn hóa. |
NHƯ HOA