Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có từ 10.000 - 11.000 tấn rác các loại. Trong đó rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, trung tâm thương mại, chợ, trường học, cửa hàng ăn uống… chiếm khối lượng khoảng 8.000 - 9.000 tấn/ngày và thu gom xử lý được 80% - 85%. Trong khối lượng rác thải sinh hoạt có 65% - 90% là các loại rác thải có nguồn gốc hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học nhanh. Đến nay giải pháp chính để xử lý rác thải sinh hoạt đô thị vẫn là chôn lấp hợp vệ sinh tại Hiệp Phước và Đa Phước.
Người dân phân loại rác từ nguồn
Các giải pháp kỹ thuật khác nhau như xử lý thành phân compost, phân vi sinh chưa có hiệu quả cao vì chưa được phân loại từ nguồn thải. Tại các bãi chôn lấp dù đã cố gắng rất nhiều nhưng với lượng rác lớn phải xử lý chôn lấp mỗi ngày, lượng rác thải nguồn gốc hữu cơ cũng là nguồn gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường sống, khu dân cư gần bãi rác như phát tán mùi hôi, nước rỉ rác tạo nên khối lượng lớn như khí metan (CH4), các loại khí gây hiệu ứng nhà kính… góp phần gây hiện tượng ấm lên của trái đất, tạo nên các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Trong khi đó đây lại là nguồn nguyên liệu to lớn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh - compost phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất, là nguồn sản xuất khí sinh học làm khí đốt phát điện. Mặt khác, việc chôn lấp khối lượng rác gia tăng hàng năm đòi hỏi diện tích đất, xử lý nước rỉ rác ngày càng tăng, tạo gánh nặng cho ngân sách thành phố.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, vai trò tổ chức thực hiện, tuyên truyền vận động người dân tham gia phân loại rác từ nguồn, thu hút nhà đầu tư tham gia tái chế rác của các cơ quan nhà nước có ý nghĩa quyết định.
Trước mắt, các cơ quan nhà nước phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy cần thiết để đảm bảo hoạt động phân loại thu gom, xử lý rác sinh hoạt tại nguồn được thực hiện thành công. Một số văn bản cần sớm ban hành như: Quy chế phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của chủ nguồn thải; Quy chế thu gom vận chuyển rác sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn. Mọi tổ chức, cá nhân được phép tham gia vào việc thu gom, vận chuyển phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật cũng như quản lý để đảm bảo nâng cao hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn (bao gồm cả cá nhân tổ chức thu gom rác dân lập, công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận huyện, thành phố…); Quy chế xử lý rác thải sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ đã được phân loại theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, để thực hiện được chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, vận chuyển và xử lý đạt chất lượng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm tham gia của mỗi cơ quan tổ chức quản lý nhà nước từ cơ sở đến thành phố. Thành phố cần xây dựng và ban hành quy chế phối hợp liên ngành có quy định trách nhiệm của một “nhạc trưởng” nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của thành phố về quản lý rác thải và chương trình phân loại rác tại nguồn. Sở TN-MT, các phòng TN-MT quận huyện có một phó chuyên trách về công tác phân loại rác tại nguồn. Hàng năm có kế hoạch rà soát sửa đổi bổ sung và xây dựng mới các văn bản pháp quy cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý của mô hình “Chính quyền đô thị”. Sở TN-MT thành phố sẽ giữ vai trò người nhạc trưởng của chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.
Phí vệ sinh môi trường: thu đúng, đủ
Thực hiện hương trình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cũng như tiến tới thực hiện chương trình thu phí vệ sinh môi trường - với nguyên tắc thu đúng, thu đủ, chủ nguồn thải phải trả tiền thu gom vận chuyển xử lý rác thải có liên quan đến mọi người dân trên địa bàn TPHCM. Chủ nguồn thải và người dịch vụ vừa phải tuân thủ thực hiện yêu cầu kỹ thuật công nghệ của quá trình phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải, vừa phải thực hiện trách nhiệm kinh tế - xã hội của mình (thanh toán đầy đủ dịch vụ môi trường mà mình được hưởng, thành phố phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật xử lý, tái chế, tái sử dụng theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải lượng carbon thấp). Vì vậy các tổ chức đoàn thể - xã hội phải có chương trình tham gia vào quá trình tuyên truyền vận động và hỗ trợ chủ nguồn thải thực hiện tốt quá trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.
Trên cơ sở kết quả khảo sát lượng rác thải sinh hoạt thải ra trung bình hàng ngày của mỗi loại hình chủ nguồn thải, TPHCM (Sở TN-MT với vai trò nhạc trưởng và tổ chức thực hiện chương trình) cung cấp túi, thùng chứa thống nhất (có nhiều kích cỡ khác nhau cho các chủ nguồn thải có quy mô khác nhau; túi, thùng chứa màu xanh và túi, thùng chứa màu vàng). Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thống nhất và thành công quá trình phân loại. Túi thùng chứa màu xanh: đựng rác thải sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày và túi, thùng chứa màu vàng chứa đựng rác thải không có nguồn gốc hữu cơ đã được phân loại, được thu gom vận chuyển từ 1 - 2 lần trong tuần (ví dụ thứ năm và chủ nhật). Để đảm bảo thu gom rác thải sinh hoạt đã được phân loại, phương tiện thu gom của các nguồn thu gom rác dân lập, công ty dịch vụ công ích các quận huyện đều được sơn màu tương ứng với túi, thùng đựng rác: xe màu xanh và xe màu vàng.
Rác thải có nguồn gốc hữu cơ sẽ được vận chuyển tới các nhà máy xử lý để làm compost, phân bón vi sinh hữu cơ công suất khoảng 2.000 tấn/ngày. Các nhà máy áp dụng công nghệ ủ kín trong bồn chứa để vừa hạn chế thấp nhất tác động xấu tới môi trường vừa thu gom khí để đốt phát điện. Khi lượng rác thải hữu cơ tăng lên, thành phố khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư mới hoặc mở rộng công suất xử lý.
Đối với các cơ sở tái chế hiện có từng bước quy hoạch sắp xếp về mặt tổ chức, khuyến khích đổi mới và chuyển giao công nghệ xử lý tiên tiến, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường.
Việc khen thưởng và xử phạt trong quá trình tổ chức thực hiện để chương trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn thành công sẽ được thực hiện thông qua quá trình kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng (Sở TN-MT, Công an TP, Phòng TN-MT…) và liên ngành.
NGUYỄN VĂN CHIẾN (Văn phòng Biến đổi khí hậu)