Phân loại rác từ nguồn: Nhiều trở ngại

Phân loại rác từ nguồn: Nhiều trở ngại

Phân loại rác từ nguồn là động thái người dân chủ động tách và để riêng 2 loại rác vô cơ và hữu cơ ngay tại nhà. Lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ mang 2 loại rác này đi tái chế tùy theo đặc tính của chúng. Hoạt động này có một ý nghĩa rất quan trọng đối với TPHCM bởi chúng không những giúp tái sử dụng được các nguồn tài nguyên mà còn giúp thành phố không tốn đất chôn lấp.

Đã 2 lần thí điểm
 

Phân loại rác từ nguồn: Nhiều trở ngại ảnh 1
Thu gom rác dân lập tại quận 8. Ảnh: CAO THĂNG
Cách nay nhiều năm, TPHCM đã bắt đầu có chủ trương phân loại rác từ nguồn. Chủ trương này được triển khai thực hiện thí điểm lần đầu tiên ở một số phường trên địa bàn quận 5. Sau lần ấy, thành phố đã tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục thí điểm triển khai lần thứ 2 trên địa bàn quận 6.

Đây là đợt triển khai thí điểm có quy mô khá lớn. Thành phố đã dùng ngân sách để trang bị 2 thùng rác (một thùng đựng rác vô cơ, một thùng đựng rác hữu cơ) cho dân. Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận 6 đã liên tục bám dân và giải thích ngay những thắc mắc của dân liên quan đến phân loại rác từ nguồn.

Mọi việc diễn ra tốt đẹp và Sở Tài nguyên - Môi trường đã lên kế hoạch triển khai phân loại rác từ nguồn trên toàn địa bàn thành phố với tham vọng đến năm 2010 sẽ hoàn thành quy trình này.
 
Song hành với chương trình thí điểm phân loại rác từ nguồn, TPHCM cũng triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy tái chế rác, đón đầu cho việc phân loại rác từ nguồn.

Dự án đầu tiên của Công ty Viet Star đặt tại huyện Củ Chi. Viet Star dự kiến xây dựng ở đây một nhà máy sản xuất phân compost và tái chế nhựa từ rác thải. Theo kế hoạch, Viet Star sẽ xử lý 1.200 tấn rác/ngày trong đó giai đoạn 1 là 600 tấn rác/ngày và giai đoạn 2 là 600 tấn rác/ngày.

Dự án kế tiếp là của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, dự kiến xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày để sản xuất phân compost và tái chế nhựa. Phó Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, ông Nguyễn Duy Hòa cho biết, riêng sản phẩm phân compost đã có khách hàng bao tiêu sản phẩm.

Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tham gia hoạt động tái chế với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất phân compost, tái chế nhựa, giấy và nhà máy phát điện tại bãi rác rộng 128ha của mình ở huyện Bình Chánh. Cuối cùng là dự án của Công ty TASCO sẽ xây dựng một nhà máy xử lý 500 tấn rác/ngày tại Củ Chi.
 
Chôn lấp là chủ yếu

Về cơ bản, toàn bộ rác thải của thành phố hiện vẫn phải chôn lấp, hầu như chưa có tái chế. Kế hoạch triển khai phân loại rác tại nguồn, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, “không ai tuyên bố ngưng nhưng cũng không ai tuyên bố tiếp tục thực hiện. Ngân sách thành phố thì không rót xuống để mua thùng rác trang bị cho dân nữa”. Chương trình phân loại rác tại nguồn đang “đứng” ở giai đoạn thí điểm.
 
Các nhà máy tái chế rác thải triển khai rầm rộ là thế nhưng Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cũng cho rằng: “May lắm đến cuối năm 2009 hoặc đầu 2010, mới có được một nhà máy của Công ty Viet Star đi vào hoạt động. Các nhà máy của các doanh nghiệp khác phần thì chưa được giao đủ đất để xây dựng, phần chưa có đường giao thông kết nối, phần chưa có tiền nên chưa biết bao giờ mới xây xong”.

Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng có những cách giải thích của riêng mình. Theo họ, do chương trình phân loại rác từ nguồn chưa được triển khai đều khắp nên buộc họ phải dãn tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy tái chế bởi rác được phân loại rồi thì công việc tái chế tiến hành mới thuận tiện hơn, chất lượng sản phẩm tái chế, nhất là phân compost sẽ tốt hơn.

Ông David Dương, đại diện Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam cho biết, toàn bộ thiết bị tái chế 3.000 tấn phân compost của đơn vị đang phải “trùm mềm” đợi rác. Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam đã từng thử sản xuất phân compost nhưng sau phải ngưng vì không có rác.

Hay như kế hoạch sản xuất điện từ khí gas cũng đã có nhưng do chưa đủ 3 triệu tấn rác làm nguyên liệu (số lượng tối thiểu) nên tạm thời Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam chưa thể triển khai kế hoạch của mình.
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, chương trình phân loại rác từ nguồn lại chưa thể triển khai rộng khắp hiện nay còn khó là ở việc lập dự án (?). Chương trình phân loại rác từ nguồn đang sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện nên công tác lập dự án phải hết sức cẩn trọng.

Trong khi đó, giá các loại vật tư dùng trong dự án lại biến động liên tục nên dự án cứ phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế. Và cái khó chính là nhiều khi dự án vừa điều chỉnh xong thì giá cả trên thực tế lại biến động.
 
Vướng mắc thứ 2, đó là khâu trung chuyển rác. Đảm nhận công việc này hiện nay vẫn chủ yếu do Công ty Môi trường đô thị TPHCM và Công ty Môi trường đô thị các quận, huyện cùng các HTX vận chuyển rác. Lực lượng này chưa có đủ năng lực đầu tư thùng xe 2 ngăn để đựng riêng rác vô cơ và các hữu cơ.

TPHCM và các sở, ngành cũng đã tính đến việc xã hội hóa công tác vận chuyển rác nhưng cũng gặp không ít trở ngại bởi còn liên quan đến hoạt động của các đơn vị nêu trên.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục