Phân luồng ngã ba Tân Vạn có hợp lý?

Phân luồng ngã ba Tân Vạn có hợp lý?

Hơn 2 tháng kể từ khi có dải phân cách tại ngã ba Tân Vạn (giáp ranh giữa huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương và phường Long Bình quận 9 TPHCM), tình hình giao thông tại khu vực này vẫn chưa bình thường trở lại. Đáng lo nhất, đã có nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra.

Nhiều người dân sống gần nút giao Tân Vạn cho biết, từ khi có dải phân cách, phân luồng xe trên đoạn đường từ vòng xoay Trạm 2 đến ngã ba Vũng Tàu khiến tình hình giao thông ở khu vực này hết sức lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.

Xe máy lưu thông ngược chiều tại ngã ba Tân Vạn. Ảnh: Đ.LÝ
Xe máy lưu thông ngược chiều tại ngã ba Tân Vạn. Ảnh: Đ.LÝ

Anh Phạm Viết Sơn, người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết hiện nay những người sống dọc tuyến quốc lộ 1A (phía huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - chiều ngã ba Vũng Tàu về TPHCM) có việc qua bên kia đường (phía phường Long Bình, quận 9, TPHCM) phải chạy thêm đoạn đường khoảng 6km tới ngã ba gần Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM mới được quay đầu lại. Quãng đường này quá xa nhưng nhiều khách đi xe không chịu trả thêm tiền nên anh thường chọn cách chạy xe ngược chiều trên quốc lộ 1A về hướng ngã ba Vũng Tàu, rồi chạy vòng xuống dưới dạ cầu Đồng Nai để về khu vực đường Nguyễn Xiển (quận 9).

Không chỉ anh Sơn, nhiều người khác cũng chọn cách này để rút ngắn hành trình. Nhiều người còn chọn cách leo dải phân cách băng ngang qua đường. Và hậu quả, chỉ sau 2 tuần đầu lối rẽ bị đóng, đã có 2 người qua đường bị xe tải cán chết tại chỗ, còn các phương tiện giao thông đụng nhau xảy ra như cơm bữa. 

Chị Nguyễn Thị Lệ, nhà ở ngã ba Tân Vạn (phường Long Bình, quận 9, TPHCM) bổ sung thêm, trước đây mỗi khi có công việc gì đi vào trung tâm TPHCM chị chỉ cần băng qua bên kia đường đón xe buýt (tuyến 150) để đi và khi về xe dừng ngay trạm dừng gần nhà. Nay xe phải chạy về ngã ba Vũng Tàu (Siêu thị Big C) trả khách. Do vậy những hành khách nhà ở khu vực đường Nguyễn Xiển và gần cầu Đồng Nai (phía phường Long Bình, quận 9, TPHCM) phải đi thêm một chặng xe buýt nữa để quay về trạm dừng ở gần ngã ba Tân Vạn (phía xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương - chiều về TPHCM). Sau đó còn phải đi xe ôm thêm 5 - 6 km lên đến gần Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM mới về được nhà. Vì quá bất tiện nên không ít người đã chọn cách rất nguy hiểm là băng qua dải phân cách để qua đường.

Việc đặt dải phân cách, phân luồng để thi công công trình (nút giao thông cầu vượt Tân Vạn) là cần thiết. Tuy nhiên, người dân và các tài xế lưu thông qua khu vực này mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại phương án phân luồng sao cho việc đi lại được tiện lợi hơn. Nên chăng mở lối rẽ cho các xe hai bánh quay đầu giữa đoạn đường từ ngã ba Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM đến ngã ba Tân Vạn. Còn ở khu vực thi công nên lắp đặt hệ thống cầu vượt bộ hành tạm cho người bộ hành qua lại.


ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục