Phân tán trong hoạt động thu gom rác thải

Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 9 triệu người, TPHCM đang hàng ngày, hàng giờ gánh nhiệm vụ xử lý trên dưới 7.000 tấn rác sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những bất cập từ khâu thu gom vận chuyển đang là vấn đề đau đầu của thành phố suốt nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Là đô thị phát triển nhanh, quy mô dân số xấp xỉ 9 triệu người, TPHCM đang hàng ngày, hàng giờ gánh nhiệm vụ xử lý trên dưới 7.000 tấn rác sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những bất cập từ khâu thu gom vận chuyển đang là vấn đề đau đầu của thành phố suốt nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TPHCM được thu gom vận chuyển đến khu xử lý tập trung của thành phố là 7.000 - 7.500 tấn/ngày. Số lượng chất thải này đang được 2 hệ thống tổ chức thu gom. Một do hệ thống thu gom công lập thuộc các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích thực hiện, thu gom khoảng 40%/tổng khối lượng chất thải rắn. Số còn lại do hệ thống thu gom dân lập. Đây là nguyên nhân làm nảy sinh hàng loạt bất cập trong hoạt động quản lý và đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường thành phố.

Thói quen của các hộ dân thường thải bỏ túi rác trước cửa nhà, trên vỉa hè. Trong khi đó, lực lượng thu gom, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập, lại không tuân thủ quy định về mặt thời gian, dẫn đến tình trạng rác tồn đọng nhiều trên đường phố, ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Thậm chí, nhiều nhân viên thu gom rác dân lập còn sử dụng xe thô sơ, cơi nới làm phương tiện thu gom khiến rác thải rơi vãi, rò rỉ khắp đường phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Thêm vào đó, công tác trung chuyển và vận chuyển cũng đang tồn tại nhiều hạn chế. Vị trí các điểm hẹn thường xuyên bị di dời do chất lượng vệ sinh môi trường tại các điểm này chưa được thực hiện tốt và không nhận được sự đồng thuận của người dân. Không thiết lập điểm hẹn trung chuyển rác, nhiều quận huyện phải để nhân viên công ty công ích lấn chiếm lòng lề đường làm điểm hẹn, gây cản trở rất lớn cho hoạt động giao thông.

Để hạn chế tình trạng trên, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục và kiểm soát các chủ nguồn thải không để rác bừa bãi ra bên ngoài. Rác thải bỏ phải được từng gia đình chuyển giao rác tận tay người thu gom hoặc chỉ để rác bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định. Chính quyền địa phương cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh bố trí dụng cụ chứa rác và thực hiện cam kết giữ gìn vệ sinh khu vực trước cửa nhà; các đối tượng kinh doanh di động bố trí phương tiện lưu giữ chất thải phải đảm bảo người mua và người bán không xả rác ra đường. Sắp xếp, bố trí thùng rác công cộng (thùng 120, 240 lít) đối với các khu vực mà chủ nguồn thải không thể kết nối thời gian với lực lượng thu gom và công bố cho các chủ nguồn thải thời gian tần suất thu gom các thùng rác này. Tránh tình trạng người dân tập kết chất thải xung quanh thùng rác gây mất vệ sinh và không thực hiện đúng công năng của thùng rác. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác bừa bãi, phóng uế ra đường. Quan trọng hơn, cần tiếp tục triển khai phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân. Về lâu dài, nhanh chóng xây dựng quy hoạch hệ thống trạm trung chuyển và xây dựng mới các trạm với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục