Phản Trụ đầu Châu

Hỏi

Hỏi: “Cái thứ “Phản Trụ đầu Châu” ấy mà nói làm gì!”. Lâu nay dân gian thường dùng hình ảnh “Phản Trụ đầu Châu” để chỉ kẻ vong ân bội nghĩa. Theo lịch sử Trung Quốc thì “Phản Trụ đầu Châu” là bỏ hôn quân mà theo minh quân, sao người Việt mình lại dùng với nghĩa ngược lại?

Nguyễn Diệu Hà (Trần Quang Khải, Q1, TPHCM)

LÊ ANH MINH: Trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn 1896, mục từ Phản), Huình Tịnh Paulus Của giảng “phản Trụ đầu Châu”  là: “Trở lòng cùng vua Trụ mà đầu nhà Châu. Bội bạc trở lòng”.

Như vậy, vào thế kỷ 19, người Việt cũng hiểu đó là lời mắng mỏ, dựa trên quan niệm trung quân hẹp hòi.

Trụ  không phải là tên thật của ông vua cuối đời Thương. Theo Sử ký (Ân bản kỷ), con của Đế Ất  tên là Thụ Tân , tự là Thụ Đức . Còn Trụ là tên thiên hạ đặt cho ông vua này. Sử ký chép: “Đế Ất băng, tử Tân lập, thiên hạ vị chi Trụ.”  (Đế Ất mất, con là Thụ lên ngôi, người đời gọi tên hắn là Trụ.) Theo Thụy pháp  (cách đặt tên cho người đã mất), “tàn nhẫn tổn nghĩa viết trụ”  (tàn nhẫn làm hại nghĩa thì gọi là “trụ”). Do đó, sử sách về sau chép là Trụ vương  (vua Trụ) hay Thương Trụ  (vua Trụ nhà Thương), còn trong Thư kinh thì vẫn chép là Thụ .

Dân gọi Thụ Tân là Trụ bởi vua này tàn ác, bị Đát Kỷ  (thường đọc nhầm là Đắc Kỷ) mê hoặc, đã làm biết bao chuyện vô đạo. Chính vì thế Vũ Vương  (Võ Vương) hội hiệp chư hầu diệt Trụ, lập nên nhà Chu  (Châu).

Chuyện Vũ Vương diệt Trụ được dân gian truyền khẩu qua nhiều thời đại. Hứa Trọng Lâm đời Minh theo đó viết thành tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa. Khi dịch Phong thần diễn nghĩa, Mộng Bình Sơn nhận định: “Nội dung Phong thần, tuy là chống Trụ bạo tàn, đề cao nhân nghĩa của Văn Vương, Võ Vương, nhưng ý thức phong kiến, quan niệm chính thống vẫn còn nặng trong óc người viết qua lối diễn tả, khiến cho người đọc bị ảnh hưởng theo. Thí dụ việc Hoàng Phi Hổ và một số người bỏ Trụ đầu Châu là một hành động rất đúng đắn, bỏ bạo ngược, phi nghĩa về với nhân hậu, chính nghĩa thì thời nào chẳng công nhận là lẽ phải. Nhưng lối diễn đạt của tác giả không dứt khoát, lưu lại quan niệm chính thống, đề cao vai trò chính thống không đúng cách, khiến cho thời nay có câu thành ngữ “Phản Trụ đầu Châu” với hàm ý xấu để ám chỉ việc làm của những kẻ phản bội.” (Lời giới thiệu của bản dịch)

“Phản Trụ đầu Châu” là lời phê phán xuất phát từ quan điểm trung quân  (trung thành với vua). Chữ trung nguyên nghĩa là “chân thành, trung thành, tận tâm, thành tâm, toàn tâm toàn ý”; thí dụ, Luận ngữ (Học nhi) viết: “Mưu tính công việc cho người có hết lòng hay không?” (Vi nhân mưu nhi bất trung hồ?) Ý nghĩa luân lý ấy về sau chuyển sang ý nghĩa chính trị là trung quân. Từ hai đời Tần và Hán, trung (trung thành với vua) và hiếu (hiếu kính cha mẹ) trở thành tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng. Tuy nhiên, cứ mù quáng trung thành với vua, bất kể tài đức của vua thế nào, đó là “ngu trung” (trung thành ngu xuẩn), cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều chê.

Chẳng hạn, Mạnh Tử (Lương Huệ Vương, hạ) cho rằng nếu vua làm hại nhân nghĩa thì không đáng làm vua và ai cũng có quyền giết đi: “Kẻ làm hại điều nhân gọi là tặc (kẻ cướp); kẻ làm hại điều nghĩa gọi là tàn (kẻ tàn bạo). Tàn và tặc là một kẻ. Nghe nói giết một kẻ tên là Trụ, không nghe nói giết vua.”

Tóm lại, tư tưởng Khổng Mạnh chính thống không chấp nhận ngu trung. Giai cấp thống trị phong kiến lợi dụng ngu trung để bảo vệ quyền lực của họ, đưa đến quan niệm “Tôi ngay không thờ hai chúa”. Khi nói “phản Trụ đầu Châu” như một lời phê phán, nhiều người Việt đã “vướng” vào chỗ ngu trung.

Tin cùng chuyên mục