Ngày thứ hai xét xử vụ án chạy quota dệt may

Có tiền, có quan hệ là có quota

Mai Thanh Hải: “Bị cáo không lừa đảo”

Hôm qua 14-3, ngày thứ hai xét xử vụ án chạy quota dệt may xảy ra tại Bộ Thương mại tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội danh: làm môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Phiên tòa đã “nóng” lên thực sự khi bị cáo Nguyễn Cương tiếp tục phủ nhận lời khai của mình trong suốt quá trình điều tra và bị cáo Mai Thanh Hải cũng đã phản cung cho rằng mình không phạm tội lừa đảo…

Nguyễn Cương tiếp tục phủ nhận lời khai...

Buổi sáng, tòa tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Cương, nguyên Phó ban quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp TPHCM. Tòa hỏi: “Số tiền 140.000 USD bị cáo nhận của Bùi Văn Tuấn để lo hạn ngạch cho hai công ty Sundence, Leader One bị cáo dùng để làm gì, đưa cho ai?”. “Thưa bị cáo không đưa cho ai cả, trừ đi số tiền 30.000 USD bị cáo trả lại cho bị cáo Tuấn, số còn lại 110.000 USD bị cáo giữ lại để chi tiêu cá nhân”, bị cáo Cương trả lời. “Bị cáo còn nhận tiền của ai nữa?”, tòa hỏi.

Bị cáo Cương: “Bị cáo nhận tiền của Lai Wai Hung hai lần tổng cộng 18.000 USD; nhận của Chou Minh Chen, Tổng Giám đốc Công ty Đế Vương một lần số tiền 12.000 USD; nhận của Wu Chun Te để lo hạn ngạch cho Công ty Lawn Yard số tiền 15.000 USD”. “Vậy tổng cộng bị cáo đã nhận bao nhiêu tiền để lo hạn ngạch cho các công ty, chi cho những ai, bao nhiêu?”, tòa hỏi tiếp.

“Như bị cáo đã khai trong chiều qua bị cáo 4 lần đưa tiền cho ông Mai Văn Dâu số tiền tổng cộng là 6.000 USD”, bị cáo Cương trả lời. “Vậy tại sao trong suốt quá trình điều tra cũng như trong các biên bản đối chất, bản tường trình của mình, bị cáo luôn khẳng định đã đưa 6 lần tiền cho bị cáo Mai Văn Dâu tổng cộng là 38.000 USD, trong đó có 2.000 USD gửi riêng cho Mai Thanh Hải; bị cáo còn khai đưa cho Lê Văn Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại, nhiều lần tiền để nhờ lo hạn ngạch cho các công ty tổng cộng 30.000 USD?”, tòa truy tiếp.

“Dạ tại lúc bị tạm giam sức khỏe bị cáo yếu, suy nghĩ không tới nên mới có lời khai như vậy, bị cáo xin khẳng định không đưa tiền cho ai khác, chỉ đưa cho ông Dâu 6.000 USD”, bị cáo Cương khai. Đại diện Viện Kiểm sát: “Nói như bị cáo tức các bị cáo Lê Văn Thắng, Mai Văn Dâu đã bị chính bị cáo vu khống?”.

Tiền + quan hệ = quota

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Lai Wai Hung (quốc tịch Trung Quốc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Sundance, bị truy tố về hành vi đưa hối lộ) đã trả lời rành rọt quá trình bị cáo này tiếp xúc, ký hợp đồng ủy quyền để Bùi Văn Tuấn đứng ra lo hạn ngạch dệt may cho Công ty Sundance.

Theo bị cáo Lai Wai Hung, tổng cộng bị cáo đã đưa cho Bùi Văn Tuấn 82.500 USD để Tuấn làm môi giới xin cấp hạn ngạch dệt may cho công ty ông. “Đã nhờ bị cáo Tuấn lo hạn ngạch rồi, tại sao bị cáo lại còn đưa tiền để bị cáo Nguyễn Cương giúp?”, tòa hỏi. “Thưa vì đưa tiền cho Tuấn lâu nhưng một thời gian không thấy Tuấn lo được hạn ngạch nên mới nhờ Nguyễn Cương. Bị cáo đã chuyển 2 lần cho Nguyễn Cương tổng cộng 18.000 USD”, Lai Wai Hung khai.

“Bị cáo biết không chỉ riêng doanh nghiệp của bị cáo mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải chạy chọt lo hạn ngạch xuất khẩu đi Hoa Kỳ nhưng họ lại không bị xử lý. Bị cáo mong tòa án xem xét có phán quyết công bằng”, bị cáo Lai Wai Hung trình bày.

Cùng “tâm trạng” với bị cáo Lai Wai Hung, bị cáo Trần Thu Lan, nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH May và Thương mại Á Châu (Công ty Á Châu) khai cũng vì cơ chế xin-cho nên nếu không có tiền và quan hệ thì rất khó xin được quota. Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hạn ngạch dệt may tới Bộ Thương mại bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Bộ nhưng không có phong bì kẹp tiền hoặc gặp riêng cán bộ để đưa tiền thì việc xin quota rất khó có kết quả.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Trần Thu Lan đã đưa tiền cho Lê Văn Thắng tổng cộng 13 lần với số tiền 23.000 USD, tuy nhiên bị cáo Lê Văn Thắng khai tại CQĐT chỉ nhận của Lan 11 lần tiền với tổng số tiền là 15.000 USD. Ngoài ra, Trần Thu Lan còn đưa hối lộ cho Bùi Hồng Minh, cán bộ Bộ Thương mại 3 lần tiền tổng cộng 2.000 USD. Nhờ “bôi trơn” quan chức Bộ Thương mại, Công ty Á Châu mới được cấp đã cấp số lượng lớn quota dệt may tương đương với 89.842 tá sản phẩm.

Mai Thanh Hải: “Bị cáo không lừa đảo”

Cuối buổi chiều hôm qua, bị cáo Mai Thanh Hải được tòa gọi lên thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù quá trình điều tra, bị cáo này luôn khẳng định sau khi nhận số tiền 560 triệu đồng của Đặng Vũ Quang để chạy xin quota dệt may cho Công ty Qualitex đã không hề có tác động hoặc lo giúp Quang mà chiếm đoạt số tiền trên để hưởng lợi bất chính.

Thế nhưng tại tòa, bị cáo Hải đã phản cung, có lời khai mới khi cho rằng mình đã có tác động, nhờ bố là Mai Văn Dâu và chú Thắng (tức Lê Văn Thắng) xem giúp hồ sơ và giải quyết hạn ngạch. “Bị cáo nói với bố và chú Thắng đây là hồ sơ của người bạn nhờ giúp. Lúc trước bị cáo khai như vậy là do sợ ảnh hưởng đến uy tín của bố bị cáo và chú Thắng”, bị cáo Hải trình bày và xin HĐXX xem xét lại tội danh truy tố đối với mình.

Trước lời khai mới của bị cáo Hải, HĐXX công bố nhiều bút lục, bản tường trình cũng như lời khai của anh Đặng Vũ Quang cho thấy, Mai Thanh Hải không làm bất cứ động thái nào để giúp Công ty Qualimex xin cấp quota và việc công ty này được Bộ Thương mại cấp quota không hề có sự giúp sức của Mai Thanh Hải.

Liên quan đến tội danh làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, Mai Thanh Hải cũng đã phủ nhận việc mình sử dụng bằng giả và cho rằng không hề biết vì sao lại có tấm bằng giả của Đại học Ngoại thương nằm trong hồ sơ cán bộ lưu ở Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Thương mại. 

CÔNG QUỐC

Thông tin liên quan

“Cò quota” Nguyễn Cương phủ nhận những gì đã khai tại cơ quan điều tra 

Tin cùng chuyên mục