Ngày 10 và 15-5

Xét xử công khai hai vụ án chống phá Nhà nước Việt Nam

Sáng 3-5, TAND TPHCM đã tổ chức họp báo công bố lịch xét xử 2 vụ án tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Theo đó, ngày 10-5, TAND TP sẽ đưa ra xét xử các bị can Lê Nguyên Sang, Huỳnh Nguyên Đạo và Nguyễn Bắc Truyển (trong vụ án Đỗ Công Thành) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 15-5, sẽ xét xử bị can Trần Quốc Hiền về 2 tội danh: “Tuyên truyền chống Nhà nước Công hòa XHCN Việt Nam” và “Phá rối an ninh”, theo Điều 88 và Điều 89 Bộ Luật Hình sự.

  • Lập đảng phản động!

Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM, đầu năm 2004, Lê Nguyên Sang (tức Nguyễn Hoàng Long, là bác sĩ, sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, ngụ tại phường 15, Tân Bình, TPHCM) làm quen với Đỗ Công Thành (còn gọi là Đỗ Thành Công, tức Trần Nam, Việt kiều Mỹ - đối tượng đã bị khởi tố và trục xuất khỏi Việt Nam về tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam) thông qua “Điện thư câu lạc bộ dân chủ” trên Internet do Thành lập ra.

Qua nhiều lần trao đổi, Sang đã thống nhất quan điểm, ủng hộ Đỗ Công Thành thành lập đảng Dân chủ nhân dân nhằm hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Tháng 9-2005, cũng thông qua “Điện thư câu lạc bộ dân chủ”, Nguyễn Bắc Truyển (tức Minh Chính, sinh năm 1968 tại Bến Tre, ngụ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, giám đốc Công ty TNHH Việt Thịnh Phú) được Đỗ Công Thành mời tham gia đảng Dân chủ nhân dân. Truyển đã nhận lời tham gia. Từ đó, các đối tượng này lôi kéo, kết nạp thêm một số cá nhân khác, trong đó có Huỳnh Nguyên Đạo (tức Huỳnh Tự Dân, sinh năm 1968 tại Quảng Nam, ngụ phường 3, Tân Bình, giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Huỳnh).

Cho đến khi bị bắt, Lê Nguyên Sang đã 5 lần trực tiếp in khoảng 1.600 truyền đơn có nội dung xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước Việt Nam; sau đó chuyển cho đồng bọn mang đi rải ở nhiều nơi. Còn Nguyễn Bắc Truyển có nhiệm vụ kiểm tra các hoạt động của đảng Dân chủ nhân dân tại TPHCM, xây dựng “mỗi quận huyện một đảng viên nòng cốt”, theo dõi tình hình khiếu kiện, biểu tình của người dân tại TPHCM để báo cáo Đỗ Công Thành. Khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị APEC 14 (tháng 11-2006), Truyển được Thành chỉ đạo đi rải truyền đơn, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, viết thư đòi gặp Tổng thống Mỹ khi vào thăm TPHCM… Riêng Huỳnh Nguyên Đạo (được phân công phụ trách khu vực Sài Gòn), ngoài nhiều bài viết gửi “Điện thư câu lạc bộ dân chủ” theo chỉ đạo của Thành, trong dịp APEC Đạo đã nhận 400 tờ truyền đơn do Lê Nguyên Sang chuyển mang đi rải và dán ở 33 điểm tại các quận 3, Tân Bình và Bình Thạnh (TPHCM).

  • Kích động, gây bất ổn an ninh chính trị

Trong khi đó, Trần Quốc Hiền (còn gọi là Ba Tam, Ba Dũng, sinh năm 1965 tại Sài Gòn, ngụ phường 12, quận 3, TPHCM, giám đốc Công ty TNHH Tư vấn luật Sài Gòn), do có sẵn tư tưởng chống đối Nhà nước Việt Nam nên vào năm 2006 Hiền đã lên mạng, vào trang web phản động trực tiếp liên lạc, trao đổi quan điểm chống đối Nhà nước với một số đối tượng phản động dưới chiêu bài đấu tranh cho “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” Việt Nam.

Sau khi trở thành thành viên khối 8406, Hiền thường xuyên gặp gỡ nhiều đối tượng trong khối để bàn bạc thực hiện mục tiêu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, đa nguyên, đa đảng. Thông qua chỉ đạo từ nước ngoài, Hiền còn nhiều lần tổ chức bàn bạc trực tiếp với một số đối tượng trong nước để tập hợp những người đi khiếu kiện ở TPHCM, các tỉnh miền Đông, và Tây Nam bộ tiến hành biểu tình trong dịp hội nghị APEC, khi Tổng thống Mỹ Bush đến TPHCM, nhằm gây bất ổn về an ninh chính trị...

Tại buổi họp báo, ông Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM cho biết, phiên tòa diễn ra ngày 10-5 do thẩm phán Tòa Hình sự TAND TPHCM Trần Xuân Minh làm chủ tọa, phiên tòa diễn ra ngày 15-5 do thẩm phán Vũ Phi Long làm chủ tọa. Cả hai phiên tòa đều được tiến hành công khai, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đều có thể tham dự, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký tại TAND TPHCM. 

PHAN TRUNG

Tin cùng chuyên mục