Là giám đốc nhưng tôi không quan tâm hoạt động của công ty!

Là giám đốc nhưng tôi không quan tâm hoạt động của công ty!

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "bầu" Kiên và đồng phạm:

(SGGPO). - Ngày 22-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Tiếp tục với phần thẩm vấn để làm rõ hành vi “Kinh doanh trái phép”, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB). Bị cáo Hải cho biết, kinh doanh vàng và kinh doanh trạng thái vàng là hai hình thức khác nhau.

Là giám đốc nhưng tôi không quan tâm hoạt động của công ty! ảnh 1

Ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, trong phiên tòa

Đại diện ACB có mặt tại tòa cho biết, Ngân hàng Vietbank không có giấy phép kinh doanh vàng trạng thái ở nước ngoài nên phải ủy thác cho ACB. Còn về phía đại diện của Ngân hàng Nhà nước là ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối trước câu hỏi của HĐXX về việc ACB có quyền kinh doanh, nhưng đối tác uỷ quyền của ACB là Vietbank phải có điều kiện như thế nào để được uỷ thác?

Ông Tuấn khẳng định, không có căn cứ để xác định vì các quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ điều chỉnh đối tượng trực tiếp được phép. Ông Tuấn cũng cho biết, quyết định 03/2006/NHNN của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định các đối tượng trực tiếp chứ không có quy định nào điều chỉnh về việc uỷ thác. Đối với việc ủy thác kinh doanh vàng phải thực hiện theo Nghị định 174 của Chính phủ và qyết định số 03/2006/NHNN. Trong đó chỉ có quy định về kinh doanh vàng chứ không có quy định về ủy thác. Ngoài 2 quy định này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có quy định về các hoạt động cụ thể nào khác. Vì thế không có căn cứ nào để yêu cầu Vietbank phải có giấy phép kinh doanh vàng.

Tiếp đó, HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn tội “Trốn thuế”. Theo cáo trạng, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B được thành lập vào cuối năm 2008 với ngành nghề kinh doanh là: xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe; kinh doanh vàng bạc, đá quý (không bao gốm xuất khẩu vàng nguyên liệu); quảng cáo và nghiên cứu thị trường. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đức Kiên – chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, do 3 cổ đông là Nguyễn Đức Kiên, Đặng Ngọc Lan (vợ "bầu" Kiên) và Nguyễn Thúy Hương (em gái “bầu” Kiên) đăng ký góp vốn.

Là giám đốc nhưng tôi không quan tâm hoạt động của công ty! ảnh 2

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ "bầu" Kiên trả lời chất vấn

Ngày 25/12/2008, dưới sự chỉ đạo của ông Kiên, bà Đặng Ngọc Lan - đại diện Công ty B&B đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB. Thực hiện hợp đồng trên, từ ngày 25/12/2008 đến ngày 31/12/2009, Công ty B&B đã có văn bản ủy thác cho ACB mở trạng thái giao dịch mua bán vàng ngoài lãnh thổ với tổng khối lượng là 440.250 ounce. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng. Sau khi thu lợi số tiền lãi trên, do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan và  bà Nguyễn Thúy Hương đã thực hiện việc ký hợp hợp đồng và phụ lục hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính để Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng của công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng nhằm không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Trước hành vi trốn thuế trên của “bầu” Kiên, trả lời HĐXX, bà Đặng Ngọc Lan cho biết: Mặc dù là giám đốc công ty B&B nhưng tôi thực sự không quan tâm tới hoạt động của công ty vì mọi việc tôi đều tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của chồng tôi.

Còn bà Nguyễn Thúy Hương cho biết, mặc dù là thành viên trong HĐQT của công ty B&B nhưng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB, tôi cũng không hiểu rõ lắm. “Về kinh doanh tôi không rõ nhưng trong gia đình, anh Kiên là người rất giỏi kinh doanh nên tôi hoàn tin tưởng vào anh tôi..."- bà Hương nói.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục