Bản án xử người tố chồng thư ký tòa chạy án chưa thật sự thuyết phục

>> Tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù người tố chồng thư ký tòa chạy án
Bản án xử người tố chồng thư ký tòa chạy án chưa thật sự thuyết phục

>> Tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù người tố chồng thư ký tòa chạy án

* Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP.HCM: Bản án chưa thật sự thuyết phục

Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM xử tăng án đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân từ 9 tháng tù lên 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 BLHS theo tôi là chưa thật sự thuyết phục. Ở đây, tôi cho rằng cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm sẽ phù hợp hơn. Bởi lẽ, ngoài tình tiết “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” do biên bản nghị án ghi sai tội danh như Viện KSND TP.HCM đề nghị thì còn một tình tiết hết sức quan trọng để làm căn cứ hủy án. Đó là tình tiết về tỷ lệ thương tật 6% ở lưng của người bị hại Trịnh Quang Trung. Bản cáo trạng và bản án của cấp sơ thẩm, lời khai của chính người bị hại Trung đều xác định vết thương trên lưng của bị hại Trung không biết do ai gây ra. Chính vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm truy tố bị cáo Vân theo khoản 1 điều 104 BLHS (tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm và gây thương tích cho nhiều người) là phù hợp.

Tỷ lệ thương tật 6% của người bị hại Trung không được cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết trong vụ án này do chưa xác định được người gây ra. Nếu cấp phúc thẩm thấy rằng việc không đưa tỷ lệ thương tích này vào giải quyết trong vụ án là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội thì cần áp dụng điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Việc TAND TP.HCM xử phúc thẩm, xác định vết thương này do bị cáo Vân gây ra và chuyển điều khoản xét xử từ khoản 1 (mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) sang khoản 2 (mức án từ 2 năm tù đến 7 năm tù) là không đảm bảo quyền lợi của bị cáo, không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử đối với phần tỷ lệ thương tật này.

Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân khóc sau khi bị tăng án

* Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM: Cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo

Bản án phúc thẩm buộc tội bị cáo Mai Thị Ngọc Vân phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự vì chỉ tính riêng thương tích của anh Trung đã là 13%, bị cáo phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, dùng hung khí nguy hiểm và không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo, tuyên phạt 4 năm tù. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi cho rằng việc không xem xét đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo chưa thể hiện được tính khoan hồng của pháp luật.

Theo Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự thì khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Bị cáo đang nuôi 3 con nhỏ (có con dưới 36 tháng tuổi), hơn nữa con nhỏ nhất bị chấn thương sọ não vừa nhập viện, bị cáo lại là lao động chính trong gia đình thì tôi cho rằng trong hoàn cảnh của bị cáo, đây cũng cần được xem là một tình tiết giảm nhẹ; và cũng cần làm rõ việc người bị hại có lỗi hay không. Do đó, nếu bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ thì việc Tòa án quyết định một hình phạt nhẹ hơn sẽ là một bản án có lý, có tình và vẫn đủ sức răn đe, trừng trị bị cáo.

Ái Chân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục