4 năm trước - năm 2012, cũng vào những ngày đầu năm, lãnh đạo 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã ký cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), trong đó có cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tổng cộng 159 tuyến đường.
Nhiều vỉa hè còn bị chiếm dụng
Sở dĩ chỉ có 159 tuyến đường là vì, để thực hiện từng bước, có hiệu quả, UBND TPHCM chỉ yêu cầu mỗi quận, huyện đăng ký 5 - 10 tuyến đường cam kết giải quyết tình trạng buôn bán, đậu xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Quận 1 đăng ký 10 tuyến gồm: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan; Quận 3 đăng ký 7 tuyến đường gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa, Trường Sa; Quận 5 đăng ký 10 tuyến đường gồm: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương...
Khách quan mà nói, sau đó nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là các giải pháp giữ cho vỉa hè, lòng đường thông thoáng đã được triển khai. Nhiều quận, huyện đã tổ chức lực lượng trật tự đi nhắc nhở, kiểm tra và thậm chí tạm giữ các đồ dùng như bàn, ghế, xe… mà người dân sử dụng khi buôn bán trên lòng, lề đường. Không chỉ có xử phạt, đối với những tuyến đường có vỉa hè rộng, TPHCM cũng dành một phần cho người dân buôn bán và giữ xe; phần vỉa hè dành cho người đi bộ và phần vỉa hè cho phép kinh doanh được tách bạch bởi một lằn sơn do chính quyền địa phương kẻ. Thế nhưng, tất cả cũng chỉ được thực hiện nghiêm túc một thời gian. Cho đến nay, rất nhiều vỉa hè, lòng đường trong số 159 tuyến đường “mẫu” của TPHCM vẫn bị lấn chiếm trái phép. Người dân chưa thấy những người có trách nhiệm trong việc này bị xử phạt vì không làm tròn trách nhiệm của mình.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tổng diện tích vỉa hè ở TPHCM ước khoảng 15 triệu mét vuông. Trong bối cảnh quá tải về giao thông, nếu diện tích vỉa hè được tận dụng hết cho giao thông, cụ thể là phục vụ người đi bộ thì không những giao thông được cải thiện mà vận tải hành khách công cộng cũng có điều kiện phát triển tốt hơn. TPHCM đang chuyển mình bước vào giai đoạn phát triển mới: 2016-2020. Lãnh đạo thành phố đã đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu. Lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo tiến hành nhanh việc gắn camera theo dõi trật tự an ninh xã hội trên toàn địa bàn TPHCM. Đây là cơ hội cho ngành giao thông và các quận, huyện hợp tác cơ quan công an trong việc giữ gìn trật tự ATGT trên hệ thống camera của ngành công an. Nếu có đủ lực lượng, ngành chức năng tiến hành xử phạt ngay các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Nếu không, có thể dùng hình ảnh trên camera để “phạt nguội”. Kinh phí để đầu tư hệ thống camera cùng các thiết bị cần thiết khác có thể là con số khổng lồ nhưng hiệu quả về lâu dài mà hệ thống này đem lại cho công tác quản lý đô thị ở TPHCM sẽ là rất lớn và sẽ vượt xa số tiền đầu tư nếu chúng được sử dụng, khai thác hết công năng.
Việc các quận, huyện cam kết nhưng sau đó lại không thực hiện đầy đủ lời cam kết không những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự ATGT, mà còn tạo ra hình ảnh không hay về lời hứa và tinh thần trách nhiệm của công chức trước người dân. Vì vậy, đã đến lúc các sở ngành chức năng, các quận, huyện… phải nhớ lại và có kế hoạch thực thi nghiêm lời cam kết về giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn mình.
NGUYỄN KHOA