Trong phiên họp cuối tuần qua, hầu hết ý kiến ĐBQH đều đồng thuận với việc nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% và phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) để đầu tư. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỮU QUANG (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, ông có tán thành phương án phát hành thêm TPCP theo đề nghị của Chính phủ?
* Ông NGUYỄN HỮU QUANG: Tôi tán thành phương án đó như ý kiến của nhiều ĐBQH khác. Tôi cho rằng nhu cầu là có, nhưng lớn hơn khả năng phát hành, vì thế sau khi cân nhắc nhiều mặt thì phát hành 170.000 tỷ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng thế nào cho có hiệu quả nhất. Cụ thể là rà soát lại danh mục công trình, dự án được sử dụng TPCP để đảm bảo chúng thực sự cần thiết và sớm được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. Mặt khác, bản thân các công trình, dự án đó phải có tổng mức đầu tư và thiết kế kỹ thuật hợp lý, tránh lãng phí. Dù là cầu, đường, bệnh viện hay trường học đều phải dựa trên nhu cầu thực tế để xác định quy mô vừa phải, không làm hoành tráng quá mức.
* Còn chủ trương phát hành trái phiếu công trình thì sao, thưa ông?
* Quốc hội kỳ trước cũng đã ra nghị quyết về việc phát hành trái phiếu công trình. Nhưng muốn thế thì bản thân công trình đó phải có hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn để trả được nợ. Tuy nhiên, sau nửa năm đến nay thì có thể thấy là việc phát hành trái phiếu công trình không hấp dẫn, không thu hút nhà đầu tư vì tính hiệu quả không cao. Cho nên mặc dù Quốc hội đã cho phép phát hành phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh nhưng thực tế không làm được. Các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn xã hội hóa bằng dự án BOT, BT… đều đã được tính đến, nhưng thực tế là khả năng thu hút đầu tư từ các nguồn đó cũng hạn chế. Chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ được tính đến như là một hình thức sử dụng trước tiền ngân sách.
* Ông bình luận gì về mối quan ngại nợ công tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nguồn thu sụt giảm?
* Theo báo cáo của Chính phủ, kể cả khi phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP, thì nợ công năm 2015 vẫn nằm trong mức cho phép. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng vấn đề này phải được xem xét trong mối tương quan với nguồn thu. Và cũng đã có một số biểu hiện mất an toàn đáng cảnh báo. Đấy là chúng ta đã sử dụng TPCP không phải chỉ để đầu tư mà còn để trả nợ nữa. Như thế là không đúng với tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước. Khi đã xảy ra hiện tượng thực chất là đảo nợ như thế là đã có biểu hiện mất an toàn rồi; vì thế mới phải giám sát rất chặt chẽ số lượng và việc sử dụng TPCP phát hành thêm.
* Còn việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp và người mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước thì có đáng lo ngại không, thưa ông?
* Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà người mua là NHTM, tức cũng là DN, thì về mặt lý thuyết là đảm bảo an toàn. Vì doanh nghiệp phát hành phải tính phương án làm ăn có hiệu quả để có thể trả nợ. Còn DN mua trái phiếu thì cũng phải tính có thu hồi lại được không, cách nào mới mua. Nhưng đó là về mặt lý thuyết. Cần phải xem xét những NHTM mua trái phiếu là ngân hàng nào, thực lực ra sao? Nếu không thẩm định chặt chẽ, DN phát hành trái phiếu không trả được nợ đến hạn thì cũng sẽ làm phát sinh nợ xấu.
* Thực tế đã có những DNNN - như Vinashin - phát hành trái phiếu, nói là tự vay tự trả, nhưng cuối cùng Nhà nước vẫn phải gánh?
* Trường hợp của Vinashin là một vấn đề lớn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã trả lời trước Quốc hội, tôi không nói thêm. Nhưng về mặt nguyên tắc, nợ công được chia làm 3 loại: nợ của Chính phủ (trung ương) trực tiếp đi vay, nợ của chính quyền địa phương và nợ trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Cứ rơi vào 1 trong 3 loại đó là nợ công và Chính phủ phải trả.
* Xin cảm ơn ông!
Trước phiên thảo luận của Quốc hội về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 vào sáng 2-11, báo cáo kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã được gửi đến các vị đại biểu (tuy không được trình bày tại hội trường). Các địa phương, bộ, ngành điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, nhưng do lúng túng trong phân cấp quản lý nên chậm có các giải pháp cụ thể để khắc phục. Báo cáo cũng nêu tình hình kiểm điểm và xử lý vi phạm tại các bộ GTVT, NN-PTNT, Y tế; đã kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm và xử lý kỷ luật một số cá nhân, đơn vị có liên quan. Về phía các địa phương, đến nay còn tới 16 địa phương chưa có báo cáo. |
ANH THƯ thực hiện