Tổng giá trị hàng hóa bị bắt giữ hơn 58,25 tỷ đồng. Ngành chức năng đã khởi tố 22 vụ với 22 đối tượng về hành vi mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; phát hiện 27 trường hợp kinh doanh, sản xuất hàng giả, xử phạt hành chính 516 triệu đồng; phát hiện 28 trường hợp vi phạm về chất lượng phân bón, xăng dầu, lúa giống, xử phạt hơn 790 triệu đồng…
Hiện tại dọc theo tuyến biên giới của tỉnh An Giang, phía địa phận Campuchia có khoảng 26 kho hàng, còn phía An Giang khoảng 6 kho hàng nằm sát bờ sông dọc theo biên giới, có dấu hiệu cất giấu hàng lậu, thẩm lậu hàng hóa từ bên kia biên giới. Từ nay đến cuối năm 2019, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nhằm phục vụ dịp lễ, tết nên hoạt động buôn lậu có dấu hiệu tăng.
Hàng hóa nhập lậu vào tỉnh An Giang chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo cũ, vải, hàng điện tử, điện lạnh, sản phẩm gỗ; đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng vận chuyển phế liệu nhập lậu trái phép (gồm bọc ni lông, giấy, vỏ chai, lon, sắt…) từ Campuchia vào Việt Nam qua địa bàn tỉnh An Giang; đồng thời việc vận chuyển ngoại tệ cũng liên tiếp được phát hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu từ nay cho đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng chức năng tăng cường phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chủ động kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, kinh doanh, tàng trữ hàng lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả mạo xuất xứ, hàng kém chất lượng; kiên quyết đấu tranh không để phát sinh, tồn tại điểm nóng, các tổ chức, đường dây buôn lậu xuyên biên giới gây bức xúc trong dân.