Phát hiện dấu tích đô thị cổ Hội An dưới lòng đất

Phát hiện dấu tích đô thị cổ Hội An dưới lòng đất

Qua hai lần khai quật thử, trên cơ sở vị trí, kết cấu của kiến trúc gỗ gồm bốn cọc gỗ chèn giữ vách ván nằm ở độ sâu 2m và vách gỗ gồm nhiều tấm ván chồng lên nhau; trên 2.401 mảnh sành, 2.624 mảnh sứ, 11 đồng tiền có nguồn gốc Trung Hoa, gốm Việt và Hizen (Nhật Bản)… các nhà nghiên cứu nhận định: Không chỉ có một Hội An - di sản văn hóa thế giới hiện tồn tại với trên 1.300 di tích kiến trúc, còn có một Hội An của thế kỷ XVII... trong lòng đất.

  • Từ một dự án tôn tạo…
Phát hiện dấu tích đô thị cổ Hội An dưới lòng đất ảnh 1

Lớp đá nền được phát hiện trong lúc khai quật. Ảnh: Hà Minh

Dự án tôn tạo cơ sở hạ tầng khu phố cổ Hội An được phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 29,5 tỷ đồng. Ngoài các hạng mục vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, còn có rất nhiều công trình ngầm, bởi vậy mọi con đường đã được đào sâu trên dưới 2m. Cùng thời gian thi công dự án (tháng 8-2006), đoàn khảo cổ học của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) gồm 14 thành viên, trong đó có 3 chuyên gia khảo cổ Nhật Bản phối hợp khai quật tại 4 địa điểm ở Hội An là: nhà số 16 đường Nguyễn Thị Minh Khai, 76/18 Trần Phú, khu vực Trường Trần Quý Cáp và phía Đông Chùa Cầu. Tại những hố được khai quật, đã phát hiện đồ gốm, sành, sứ thuộc thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Khi đào sâu xuống thì phát hiện gốm sứ thế kỷ 17 với mật độ dày đặc, trong đó đặc biệt là gốm sứ Hizen – Nhật Bản thuộc nửa đầu thế kỷ 17, một số đồ sành sứ của Trung Quốc và Việt Nam; ở độ sâu 1,5-1,8m các nhà khoa học cũng đã phát hiện kiến trúc gạch đã bị đổ nát và dấu tích bếp lò- đây chính là một móng nhà xưa khoảng thế kỷ 17 đã bị phù sa bồi lấp theo thời gian. Điều đáng chú ý là tại hố đào phía Đông Chùa Cầu - (giữa lòng đường Trần Phú), ở độ sâu 2,20m, các nhà nghiên cứu còn phát hiện dấu tích kiến trúc gỗ, cống thoát nước xây dựng bằng gạch, đường đi lát đá…

Nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu, có thể dấu tích kiến trúc gỗ được phát hiện là vết tích của cây cầu gỗ trước đây đã bị hư hại do hỏa hoạn, sau này các lớp cư dân Nhật, Hoa, Việt xây dựng cây cầu mới, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, mới tạo nên dáng dấp Chùa Cầu như bây giờ. Theo PGS-TS Kikuchi Seiichi, do thấy xuất lộ nhiều dấu tích cư trú, kiến trúc và di vật quan trọng nên đoàn đã đề nghị lên các cơ quan chức năng có biện pháp thích ứng. Cục Di sản (Bộ VH-TT) có công điện khẩn đề nghị tạm ngừng việc thi công. Cuối tháng 10-2006, tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng thi công dự án.

  • … Đến một Hội An trong lòng đất
Phát hiện dấu tích đô thị cổ Hội An dưới lòng đất ảnh 2

Gạch, ngói - hiện vật thu được tại hố khai quật ở nhà số 16 đường Nguyễn Thị Minh Khai, dưới lòng đất đô thị cổ Hội An.

Anh Trần Văn An – cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, người luôn theo sát đoàn khảo sát cho rằng: “Kết quả giám định cho biết hiện vật có niên đại thế kỷ 17, một số mảnh sứ có niên đại thế kỷ 17 - 18. Ngoài ra, một số tư liệu cho biết, lịch sử hình thành khu phố cổ Hội An gắn liền với quá trình bồi tụ về phía Nam của sông Thu Bồn chảy qua Hội An.

Vào thế kỷ 17, 18, bờ Bắc sông Hội An nằm ở khu vực giữa đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học hiện nay, cách đình Ông Voi 100m về phía Nam. Vị trí cừ gỗ được phát hiện cũng nằm cách đình Ông Voi với kích thước tương tự, chính vì thế, đây có thể là bờ Bắc của dòng sông chảy qua Hội An cuối thế kỷ 17”. Ông Nguyễn Chí Trung – GĐ TT Quản lý Bảo tồn di tích Hội An cũng đồng quan điểm: Việc phát hiện hàng loạt những dấu tích, hiện vật qua đợt khảo cổ trên có thể xem là những minh chứng cực kỳ quan trọng đối với đô thị cổ Hội An.

Từ trước đến nay, những nhận định về một Hội An xưa vẫn dựa trên những tài liệu để lại, những phỏng đoán, chứ chưa có một chứng minh hay một hiện vật cụ thể nào. Từ những phát hiện này, sẽ mở ra một thời kỳ mới, một hướng cụ thể cho giới nghiên cứu về Hội An. Trước mắt, theo nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn thì dấu tích để lại cho thấy một thương cảng Hội An từ thế kỷ 17 đến 18 rất sầm uất, tập trung nhiều thương nhân đến từ Nhật, Trung Quốc...

Phát hiện dấu tích đô thị cổ Hội An dưới lòng đất ảnh 3

Bát men Hizen (Nhật Bản), hiện vật minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một đô thị cổ đã bị vùi xuống lòng đất.

Đồng thời qua đó giúp các nhà nghiên cứu xác định được nền văn hóa đặc trưng của Hội An thế kỷ 17 mang đậm nét của nước nào. Hiện tại, những hiện vật được tìm thấy đang được bảo quản kỹ lưỡng và sẽ tiến hành nghiên cứu trong thời gian tới. Ông Trung còn cho biết thêm, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản tiến hành xin phép khai quật lại một hố khoảng 4m2 tại số nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai để làm bảo tàng ngoài trời phục vụ tham quan của du khách.

Các nhà khoa học đều khẳng định tầng văn hóa trong lòng đất Hội An còn rất dày, cần phải nghiên cứu, khám phá để tìm hiểu sâu hơn về quá trình hình thành đô thị cổ và thương cảng Hội An xưa.

HÀ MINH-NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục