TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nhìn nhận, tự chủ đại học là một chủ trương lớn, được coi là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết 29).
Việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống GDĐH trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhận thức về tự chủ đại học đã có chuyển biến tích cực, nên công tác quản lý, quản trị, cơ chế tài chính… cũng có nhiều thay đổi.
Dưới góc độ cơ quản quản lý, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng, Nghị quyết 29 đề ra 7 quan điểm đổi mới, 9 giải pháp để đạt được 7 mục tiêu cho GDĐH.
Ngay sau đó, là sự ra đời của Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014- 2017; Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99/NĐ-CP năm 2019 hướng dẫn thi hành luật. Những tiền đề này giúp GDĐH có sự bứt phá như giảng viên có trình độ tiến sĩ từ dưới 15% năm 2013 tăng lên trên 30% vào năm 2022; gần 1.000 chương trình và gần 200 cơ sở đào tạo được kiểm định; hội đồng trường được thành lập; nhiều trường được xếp hạng quốc tế…
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, hội đồng trường đã được thành lập với thành phần đảm bảo theo luật định nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế, chưa phải là hội đồng quyền lực như kỳ vọng. Theo ông, để nâng cao tính tự chủ của các trường nhằm đạt được các mục tiêu đổi mới mà Nghị quyết 29 đã đề ra, cần đổi mới cách tiếp cận quyền lực của hội đồng trường theo hướng cơ quan chủ quản giao quyền của mình cho hội đồng trường và vai trò của cơ quan chủ quản đối với trường giảm dần theo sự lớn mạnh và hiệu quả hoạt động của hội đồng trường.
GS-TS Trình Quang Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng hiện nay chúng ta đổi mới GDĐH nhưng luật và cơ chế chưa điều chỉnh đồng bộ. Điều này, theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản. Về nhân sự, tài chính, tổ chức, đầu tư, Luật Giáo dục sửa đổi 2018 cho phép làm nhưng các luật khác như Luật Viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Bộ Luật lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư lại không cho phép. Do đó, rất cần thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để có thể phát huy hiệu quả thực chất của tự chủ đại học, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các tham luận cũng tập trung bàn sâu vào nhiều chủ đề về tự chủ đại học, những thành tựu, điểm nghẽn, những thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục sửa đổi 2018; hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về tự chủ đại học… PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến để trình Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý để đưa ra những quyết sách kịp thời.