Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa

Phát huy nội lực trẻ

Năm mới 2007 hứa hẹn một năm ăm ắp việc. Tại TPHCM tôi chia vui với cặp vợ chồng Nguyễn Đức (nạn nhân chất độc da cam) - một hình ảnh tiêu biểu về ý chí và nội lực của con người muốn được sống dưới ánh mặt trời như mọi người bình thường khác. Ngoài phố, nội lực biến thành dòng lưu thông không ngừng nghỉ...
Phát huy nội lực trẻ

Năm mới 2007 hứa hẹn một năm ăm ắp việc. Tại TPHCM tôi chia vui với cặp vợ chồng Nguyễn Đức (nạn nhân chất độc da cam) - một hình ảnh tiêu biểu về ý chí và nội lực của con người muốn được sống dưới ánh mặt trời như mọi người bình thường khác. Ngoài phố, nội lực biến thành dòng lưu thông không ngừng nghỉ...

Phát huy nội lực trẻ ảnh 1

GS-TS Ngô Thanh Nhàn. Ảnh: TRỌNG CHÍNH (TTXVN)

Nhìn lại 2006, một năm có nhiều sự kiện đặc biệt, ít ai để ý việc Việt Nam thành lập “Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài” (Association for Liaison with Overseas Vietnamese – ALOV-HCMC) vào ngày 14-9 tại TPHCM…

Sự kiện thành lập Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài đánh dấu thêm một bước tiến về khái niệm cũng như về cách tổ chức - coi quan hệ với người gốc Việt ở nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế là quan hệ giữa nhân dân các nước, thêm nữa, quan hệ ấy là quan hệ cùng phát triển, cùng tự vệ (vì cộng đồng VN ở Mỹ cũng nghèo) và cùng hướng tới tương lai đẹp hơn cho giới trẻ.

Tôi cho rằng sự tham gia tự nhiên và sớm của thanh thiếu niên trong nước và thanh thiếu niên gốc Việt ở các nước tại các cuộc gặp gỡ trên blog, tại nhiều nơi trong và ngoài nước… sẽ đặt Hội trên một cơ sở thực tế và một tương lai thú vị. Thế kỷ (TK) này là TK vì người trẻ mà!

TK trước là TK VN xác định nền độc lập, tự chủ, nghèo nhưng phát triển trong nền kinh tế thị trường. TK này, TK 21 là TK người VN không ngần ngại tiến thêm một bước đưa mình vào chuẩn mực quốc tế, đó là bước chuyển mình về mô thức (paradigm shift, theo Thomas Kuhn - bước chuyển mô thức thay đổi cách nhìn một vấn đề giúp tìm ra giải pháp đúng hơn, khoa học và phổ quát hơn), chứng minh cho thế giới một nước VN hòa bình và phát triển, đóng góp vào nền hòa bình và phát triển của loài người.

Có người cho rằng con tàu “cà rịch cà tang” VN đầy lỗ rò, đang hồ hởi xông vào khu cá mập mình vừa thoát khỏi. Có người lại cho rằng con tàu VN đang thuận buồm xuôi gió ra biển lớn thái bình chỉ có thuận lợi, không có nguy cơ. Tôi cho rằng, cả hai đều có điểm đúng nhưng phải cụ thể, phải chi tiết.

Ngạn ngữ Mỹ có câu: “Thành bại nằm trong chi tiết” (The devil is in the detail). Con tàu VN, khi chấp nhận chuẩn mực quốc tế về mọi mặt, chính là tự tin tự hiểu ta đang ở trong bước chuyển mình về mô thức, từ tư thế một nước nghèo đang phát triển, vượt sóng gió trước mắt, vừa sửa soạn tổ chức lại con tàu để chứa mọi người, vừa cùng các nước biến biển sóng gió thành biển thái bình. Những nhà phân tích gọi đó là chuyển mình về mô thức để đạt toàn cầu hóa kỹ thuật.

  • Những khái niệm mới

Ông Peter Marcuse trong bài “Ngôn ngữ toàn cầu hóa” (Monthly Review, 7-8/2000) cho rằng toàn cầu hóa không có gì mới, chỉ mới sau năm 1970 với bước phát triển mới của tư bản (sự xuất hiện của các công ty xuyên quốc gia) nhờ sự tiến nhanh của kỹ thuật và sự tập trung toàn cầu của quyền lực kinh tế cao độ.

Tư bản kiểu mới có đặc thù là trải xa và rộng quan hệ tư bản về địa lý và thâm nhập sâu xa hơn trong mọi mặt của đời sống con người kể cả văn hóa và xã hội. Sự tiến triển vượt bậc của kỹ thuật dường như hiển nhiên dẫn đến mức tập trung cao độ của quyền lực kinh tế.

Vấn đề tập trung quyền lực kinh tế (gọi là toàn cầu hóa quyền lực) nằm ở sự phát triển cao độ của kỹ thuật (gọi là toàn cầu hóa kỹ thuật) trong viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, giao thông vận tải, kiểm soát từ xa, nhạy bén và uyển chuyển trong sản xuất v.v. Thực ra, sự hiện hữu và tập trung cao hơn (không làm giảm đi) quyền lực của các nhà nước vẫn giúp cho hệ thống tư bản của các nước phát triển lan nhanh.

Nhiều nước không kiểm soát lưu thông tư bản và hàng hóa, không phải họ không làm nổi, mà vì họ không muốn làm. Nhiều nhà nước khước từ quyền lực nhà nước chứ không phải họ không giữ nổi quyền lực ấy. Các cam kết của nhà nước giảm/bỏ thuế quan, bảo đảm quyền lợi hợp đồng (thương mại), tác quyền v.v. cho thấy các tổ chức như WTO và các công ty tư bản xuyên quốc gia cần đến quyền lực của nhà nước.

Trong trường hợp các nước đang phát triển, với đa số, bài báo cho rằng có thể dựa vào toàn cầu hóa kỹ thuật để xác lập một quan hệ kinh tế khác hơn cách tập trung quyền lực tư bản toàn cầu của các nước phát triển. Theo tôi, VN sẽ chứng tỏ điểm này.

Tôi cho rằng VN vào WTO trong bối cảnh thuận lợi tuy có nhiều sóng gió lúc ban đầu. Sự thành công nằm ở các điều kiện sửa soạn chi tiết nội lực, nhất là chiến lược phát triển lực lượng công nhân có kỹ năng cao.

  • Kinh nghiệm bảo vệ người lao động

Những vấn đề nông dân và những vấn đề công nhân trong một nước đang phát triển tuy có khác nhau nhưng đối với chuẩn mực quốc tế sẽ tiến tới giống nhau. Lực lượng công nhân tại VN sẽ tăng nhanh và lực lượng nông dân giảm theo hướng tự nhiên của thị trường tư bản, khi Mỹ sản xuất gạo và nông sản rẻ hơn.

Vấn đề tăng cường năng lực lao động, lương, kỹ năng thương lượng tập thể (collective bargaining), tri thức khoa học kỹ thuật, là cơ bản nhất. Toàn cầu hóa kỹ thuật là toàn cầu hóa chuẩn mực lao động, nâng cao tri thức và giáo dục, hiểu biết chi tiết luật quốc tế, luật trong các nước đối tác, luật trong nước, và từ đó tìm cách tăng thu nhập cá nhân. Nước nghèo nào trên thế giới cũng muốn biến lợi thế đối sánh tạm thời nhờ lao động chăm chỉ và rẻ thành lao động chuyên nghiệp cấp cao, lương cao hơn, và có ý thức rõ vai trò và quyền hạn của mình.

Đối với thế giới, kể cả WTO, một nhà nước có quyền định mức “lương tối thiểu đủ sống” và nâng mức nghèo lên đều đặn để hỗ trợ và bảo vệ cho công nhân nước mình. Nhiều nước bắt đầu thấy rằng chuẩn “lương tối thiểu đủ sống” là lương của một người nuôi gia đình 4 người sao cho thu nhập của gia đình vừa cao hơn mức nghèo khổ.

Ở Mỹ, theo Chính phủ liên bang năm 2003, mức nghèo khổ của gia đình 3 người là 15.260 đôla/năm, và của gia đình 4 người là 18.400 đôla/năm. Nghĩa là, theo Trung tâm Lương tối thiểu đủ sống, dựa vào hướng dẫn của chính phủ Mỹ về mức nghèo năm 2003, lương tối thiểu đủ sống của một người đi làm nuôi gia đình 4 người là 11,50 đôla/giờ. Lương tối thiểu hiện nay theo luật của Mỹ chỉ 5,15 đôla/giờ, không thay đổi 10 năm nay.

Ở thành phố New York thì sao? Tôi xin đương cử một ví dụ, trong khu chợ người Hoa (Chinatown) ở Manhattan, New York, chủ các xí nghiệp may mặc “sweatshops” (có nơi dịch là xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ) đồng ý trả ngay hội phí cho công đoàn, đồng thời dìm lương công nhân dưới mức lương tối thiểu, có nơi chỉ có 75 xu hay 1 đôla/giờ.

Khi công nhân biểu tình, chính công đoàn đã chống lại công nhân, lờ đi việc chủ phạm luật lao động (lương tối thiểu 5,15 đôla/giờ) của Chính phủ Liên bang; nếu công đoàn không làm thế, chủ rút hội phí công đoàn và đẩy công đoàn ra khỏi xưởng.

Chỉ khi tổ chức Hội Công nhân và Nhân viên người Hoa CSWA (Chinese Staff and Workers Association, do Wing Lam làm Giám đốc điều hành) đưa các sweatshops này ra ánh sáng, Bộ Lao động mới phạt các công ty bắt bồi thường theo lương tối thiểu tính ngược thời gian. Một ví dụ thứ hai tương tự đối với tài xế taxi tại New York.

Chỉ sau khi Liên minh Công nhân Taxi NYTWA (New York Taxi Workers Alliance, cô Bhairavi Desai làm Giám đốc) ra đời, công đoàn vốn ngó lơ những xâm phạm trắng trợn của chủ taxi, mới bị chủ loại. Nhờ đó, thu nhập của công nhân lái taxi tăng lên lần đầu tiên sau hơn 10 năm và bắt đầu được Hội đồng Taxi và Li-mu-din của thành phố New York kính trọng.

Định nghĩa “lương tối thiểu sống được” phải uyển chuyển theo thời giá, theo lạm phát, có bảo hiểm sức khỏe v.v… hàm ý công đoàn ở Mỹ phải mang tính chiến đấu, có kỹ thuật tính toán cao, nhạy bén với quyền lợi công nhân, sát cánh với công nhân, nhất là công nhân trẻ v.v. Đó là những điều mang tính nội lực.

Theo tôi, học kinh nghiệm thất bại và thành công của các nước đang phát triển để tự vệ, và học cách đấu tranh lao động trong các nước phát triển để nhìn thấy trước các bước gẫy, đặt quan hệ anh em với họ là cách học nhanh nhất.

Nguyễn Du rất thông thái khi viết “Lỡ từ lạc bước bước ra, cái thân liệu những từ nhà liệu đi!” (Truyện Kiều, câu 2159-2160). VN chỉ làm được vai trò toàn cầu của mình khi mọi nội lực để phát triển trên con tàu đại dương tham gia đầy đủ vào sản xuất, cùng với người VN ở nước ngoài cùng tổ chức, cùng tự vệ và cùng phát triển, xóa hẳn nghèo đói, triệt tiêu thất nghiệp, nâng cao dân trí, hiểu và vận dụng được luật quốc tế và trong nước, đủ khả năng tham gia tranh chấp tòa án nhiều nước để bảo vệ và nâng cao sản xuất trong nước, nâng cao xuất cảng… - đó là nghĩa của câu “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

GS-TS NGÔ THANH NHÀN
(ĐH New York, Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm)

Hiện trạng thế giới từ thế kỷ trước

a- Bách khoa Wikipedia cho thấy dân số thế giới, hiện nay 6,5 tỉ, tăng nhanh, nhanh hơn nữa trong những năm gần đây, và nhất là sau khi chế độ tư bản ra đời…

b- Khoảng cách thu nhập tăng chưa từng thấy, theo New York Times, 6-12-2006, điều này đang xảy ra trong nước, ở Trung Quốc và Ấn độ, tuy ở mức độ thấp hơn. Năm nay, vẫn theo New York Times, 25-12-2006, Wall Street đạt lợi nhuận chưa từng thấy trong khi thu nhập cả nước giảm.

c- Khoảng cách sở hữu của cải tăng nhanh hơn nữa: năm 2000, 1% dân số thế giới có 40% toàn bộ của cải của thế giới, 50% dân số bên dưới chỉ có 1,1%…

d- Các nước phát triển, nhất là Mỹ, của cải tăng nhanh ngợp mắt (spectacular buildup of assets). Mỹ, có 4,7% dân thế giới, có 32,6% của cải của thế giới. Năm 2001, 1% dân Mỹ có 32% của cải của toàn nước Mỹ.

e- Năm 2000 có 830 triệu người thiếu ăn (Economist, 25-3-2000).

f- Gần đây, theo Tổ chức Lao động thế giới ILO (International Labor Organization, tại Genève) các thống kê 2004 cho thấy nửa số thất nghiệp trên thế giới là thanh niên dưới 24 tuổi, và thanh niên thất nghiệp tăng nhanh.

g- Mỹ vẫn trợ giá nông sản (điều này ít ai biết), song vẫn ngang nhiên kiện phá giá các nước đang phát triển. VN hiện đang bị liệt vào “kinh tế phi thị trường” nên dự đoán sẽ bị kiện phá giá liên tục.  

Tin cùng chuyên mục