Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo - Bài 3: Kỳ vọng đổi mới thi cử

Đổi mới thi cử (thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học) là câu chuyện luôn thời sự, được cả xã hội quan tâm. Trong hơn 10 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực đổi mới, song câu chuyện đổi mới vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Nếu vấn đề đổi mới được hoạch định một cách bài bản, tầm nhìn xa hơn, có lẽ không vấp phải những sự cố đáng tiếc như thời gian qua...

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. Ảnh: THANH HÙNG
Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2023. Ảnh: THANH HÙNG

Đổi mới theo kiểu chắp vá

Từ khi Nghị quyết 29 ra đời, công cuộc đổi mới thi cử được Bộ GD-ĐT nỗ lực thực hiện nhiều lần nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu hiệu quả. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2015 có một dấu ấn lớn trong lịch sử thi cử và tuyển sinh, khi mà lần đầu tiên 2 kỳ thi song hành là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) “3 chung” được thống nhất thành một kỳ thi THPT quốc gia hay còn gọi là kỳ thi “2 trong 1” - vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ. Với sự thống nhất này, 2 khâu thi và khâu tuyển được tách riêng.

Tuy nhiên, bản thân kỳ thi này cũng được tiếp tục đổi mới trong khâu tổ chức. Nhìn chung, những lần đổi mới này chưa như mong đợi, luôn xuất hiện những sự cố đáng tiếc ở những khâu quan trọng như chấm thi, đề thi…

Điểm đen nhất trong lịch sử thi cử của nước nhà chính là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, khi 11 cán bộ ngành giáo dục của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình phải vướng vòng lao lý vì liên quan đến việc gian lận, chỉnh sửa, nâng điểm cho 347 bài thi. Có những thí sinh điểm được nâng lên từ 26,8 đến 29,95 điểm so với điểm thực tế...

Và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã trở thành một kỳ thi kỳ lạ nhất khi nhiều môn thi điểm cao bất ngờ so với năm 2020. Đơn cử như môn Tiếng Anh từ chỗ đội sổ năm 2020 đã nhảy lên thành môn có số lượng điểm 10 nhiều nhất… Kết quả thi này dẫn đến mùa tuyển sinh ĐH năm 2021 có nhiều điểm nghịch lý, đó là điểm chuẩn vào nhiều trường cao chót vót, trong đó nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến 11 điểm, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30 điểm, hàng trăm thí sinh dù đạt 29,5 điểm, 30 điểm vẫn không trúng tuyển.

Cũng trong năm 2021, đề thi môn Sinh học đã bị lộ và 2 cán bộ tổ trưởng và tổ phó được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn Sinh học đã phải hầu tòa vào tháng 7-2023...

Có thể nói, báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về giám sát kỳ thi THPT quốc gia là bức tranh toàn diện nhất cho việc gom 2 kỳ thi thành 1, đó là: Về đề thi, dù Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới…

Nhưng trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước.

Trông chờ một đổi mới triệt để

Trước sức ép của dư luận, vừa qua Bộ GD-ĐT công bố kế hoạch thi tốt nghiệp THPT năm 2025-2030 có một vài điểm mới như: thi tốt nghiệp có 4 môn (2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn); sử dụng công nghệ thông tin trong công tác thi. Từ năm 2030 trở đi, bắt đầu thi trên máy tính, cùng với đó là công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi chung cho các địa phương... Nhìn chung, những thay đổi này vẫn chỉ mang tính kỹ thuật mà chưa thể hiện được chính sách đổi mới căn bản ở tầm vĩ mô.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), những chính sách thi tốt nghiệp THPT đang tạo ra những bất cập, ảnh hưởng phần nào đến mục tiêu giáo dục. Thi, kiểm tra chưa phải vì sự học của học sinh mà vẫn là kiểm tra đánh giá vì thi cử, hay còn gọi là dạy và học theo thi cử… đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: học lệch, học sinh thiếu quan tâm đến học toàn diện, thầy cô thì chú trọng dạy nội dung môn thi liên quan đến thi cử, gây căng thẳng cho giáo viên, không đánh giá được năng lực của học sinh...

“Xem ra chưa có biện pháp ngăn chặn sự thiếu trung thực trong báo cáo thành tích học tập của học sinh qua học bạ. Tại sao không thể ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điểm số và lưu trữ thành tích học tập của học sinh sao cho không thể có sự can thiệp vào điểm số đã được nhập lên hệ thống? Nếu đánh giá theo năng lực thì cách ra đề thi kiểu trắc nghiệm hiện nay sẽ rất thách thức, mà thực tế người ta thường phải đánh giá theo quá trình bằng các hình thức khác nhau”, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất.

Một nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nhìn nhận, tinh thần của Nghị quyết 29 là đổi mới toàn diện, trong đó có việc thi cử. Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 vẫn chưa có gì đột phá về hình thức, vẫn là thi gì thì học nấy. Điều này sẽ dẫn đến sự học lệch. Như vậy, mục tiêu của giáo dục phổ thông sẽ khó thể hiện những kiến thức phổ thông của học sinh tốt nghiệp để có năng lực đầy đủ do học lệch vì cách thi gây ra.

Do đó, từ nay đến năm 2030 nên có cách đổi mới theo hướng đánh giá năng lực tổng hợp cho học sinh THPT. Đổi mới căn bản thi tốt nghiệp THPT nói riêng và thi kiểm tra đánh giá trong giáo dục phổ thông nói chung phải là sự đánh giá toàn diện mà không phải lựa chọn môn này hay môn kia nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng đối diện với muôn vàn thách thức trong tương lai.

Những lần đổi mới thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH

* Giai đoạn 2015-2016: Hợp nhất 2 kỳ thi THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành 1 kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi do các trường ĐH, CĐ tổ chức. Các trường ĐH, CĐ trên cả nước chủ yếu dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện công tác xét tuyển.

* Giai đoạn 2017-2019: Công tác tổ chức kỳ thi THPT được giao cho các sở GD-ĐT địa phương thực hiện. ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tiên phong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực làm một trong nhiều phương thức tuyển sinh

* Giai đoạn 2020 cho đến nay: Kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi THPT với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển ĐH. Ngoài 2 ĐH quốc gia, có thêm nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Cần có quyết tâm đổi mới triệt để

Đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là việc lớn, mang tầm quốc gia, nhưng những phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi sao cho phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi mới bắt đầu từ năm 2025.

Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian rất ngắn nên rất khó cho việc quan trọng nhất đó là xây dựng ngân hàng đề thi, chuẩn bị hạ tầng công nghệ cho việc thi trên máy tính ở những năm tiếp theo. Còn các trung tâm khảo thí độc lập tầm quốc gia thì vẫn chưa được thành lập.

Do đó, cần có một đánh giá tổng thể về công tác thi cử trong thời gian qua, để nhìn nhận những ưu khuyết điểm trong những lần đổi mới và có tính kế thừa. Khi đó, từng giải pháp, từng kế hoạch sẽ được các chuyên gia giáo dục, xã hội tham gia đóng góp ý kiến để cùng thực hiện. Nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm đổi mới thật sự thì sẽ làm được.

PGS-TS ĐỖ VĂN XÊ, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Đổi mới thi cử không thể vội vàng

Cả xã hội đều mong muốn làm sao cho việc thi cử nhẹ nhàng, khách quan, công bằng và có kết quả đánh giá đúng. Lâu nay chúng ta quá xem nặng đầu vào khiến thi cử áp lực, tốn kém, căng thẳng nhưng kết quả năm nào cũng có chuyện để nói.

Trong khi đó, chất lượng đào tạo ĐH không phải quyết định ở đầu vào mà là cả quá trình đào tạo. Các nước trên thế giới từ rất lâu đã thông qua các trung tâm khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường ĐH. Nếu Việt Nam thành lập được Trung tâm khảo thí quốc gia, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn để tổ chức thi, thì quá tốt.

Lúc đó có thể tổ chức thi mọi nơi, mọi lúc và cấp giấy chứng nhận kết quả. Trên cơ sở đó, các trường sẽ dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất đó là xây dựng ngân hàng đề thi. Do đó, việc đổi mới thi cử phải làm bài bản, khoa học chứ không thể vội vàng.

Tin cùng chuyên mục