Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo - Bài 1: Đứng trước nhiều rào cản

Phát huy thành tựu 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo - Bài 1: Đứng trước nhiều rào cản

LTS: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Nghị quyết 29), ngành giáo dục và đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, trở ngại cần được nhìn nhận, phân tích để có giải pháp căn cơ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Sau 10 năm, chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ra đời đã tạo bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới dạy học ở bậc phổ thông. Song, chất lượng đổi mới chưa đồng đều ở các tỉnh, thành phố.

Kỳ vọng lớn

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tổng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT giai đoạn 2015-2022 là hơn 213.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, ngân sách trung ương hơn 13.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 152.000 tỷ đồng, vốn ngoài nước 41.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa hơn 6.400 tỷ đồng.

h5a-8814.jpg
Học sinh Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè, TPHCM) sử dụng thư viện thông minh. Ảnh: CAO THĂNG

Như vậy, so với 4 lần cải cách giáo dục ở quy mô quốc gia trước đây vào các năm 1950, 1956, 1979 và 2000, đổi mới chương trình, SGK GDPT theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được thực hiện một cách bài bản, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, thay đổi toàn diện hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 Chương trình GDPT 2018 cuốn chiếu triển khai ở bậc phổ thông nhưng đến nay, nhiều tỉnh thành vẫn loay hoay với bài toán tuyển dụng giáo viên, cơ cấu giáo viên chưa đồng đều giữa các môn học. Thống kê của Bộ GD-ĐT, giáo viên ở nhiều địa phương chưa tự tin dạy chương trình mới, trường học gặp khó khi xếp thời khóa biểu do thiếu giáo viên… Riêng môn tích hợp, dù Bộ GD-ĐT ban hành nhiều văn bản hướng dẫn dạy học tích hợp nhưng “nút thắt” giáo viên chưa được tháo gỡ nên thực tế triển khai vẫn lúng túng.

PGS-TS Nguyễn Thúy Hồng, nguyên Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết, thay đổi lớn nhất của Chương trình GDPT 2018 so với trước đây là chuyển từ mục tiêu truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Từ mục tiêu đó, chương trình cơ cấu lại toàn bộ các môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học, bậc học, nổi bật là sự xuất hiện các môn học mới gồm: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Giáo dục địa phương, các môn tích hợp như Tin học - Công nghệ, Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật. Lần đổi mới này, SGK từ chỗ là tài liệu dạy học duy nhất trở thành một trong các nguồn học liệu - tức không còn là cơ sở duy nhất để dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh (HS). Có thể thấy, chủ trương đổi mới được thực hiện đồng bộ từ mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học đến kiểm tra, đánh giá HS. Cả hệ thống vận hành theo cơ chế trao quyền, phát huy sự chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều 96, Luật Giáo dục 2019 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020) quy định “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước”. Song thực tế, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt chiếm tỷ lệ 17,1%; 17,9% và 15,8% - thấp hơn mức tối thiểu quy định nên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cùng đó, phân bổ ngân sách ở nhiều địa phương còn bất cập khiến hiệu quả thực hiện chưa như mong đợi.

Đầu tư con người chưa tương xứng

Mặc dù tiêu tốn kinh phí khổng lồ, huy động số lượng lớn đội ngũ chuyên gia, trí thức, cán bộ đầu ngành tham gia xây dựng chương trình nhưng đổi mới chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Trong đó, trở ngại đầu tiên cũng là yếu tố then chốt quyết định thành công của chương trình là rào cản tâm lý giáo viên.

TS La Thị Thanh Thủy, chuyên gia phát triển Chương trình GDPT, lý giải, bất kỳ nền giáo dục nào khi thay đổi đều cần “bước chạy đà” để thay đổi nhận thức, nâng cao khả năng thích nghi của giáo viên. Trước đây, giáo viên hoạt động dạy học cá nhân là chủ yếu thì khi thực hiện chương trình mới, sinh hoạt tổ chuyên môn chi phối gần như toàn bộ quá trình dạy học, đặc biệt ở môn tích hợp. Do đó, dù được cơ quan quản lý trao quyền nhưng nhiều thầy cô còn lúng túng, sức ỳ tâm lý lớn dẫn đến giảm khả năng phát huy năng lực của giáo viên.

h5c-7087.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) trong giờ học môn Khoa học. Ảnh: CAO THĂNG

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 (TPHCM) nêu thực tế, chương trình mới thiết kế theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Mục tiêu này phù hợp với lớp học có sĩ số chuẩn (35 HS/lớp với tiểu học và 45 HS/ lớp với THCS, THPT). Trong khi đó, nhiều quận, huyện ở các thành phố lớn, khu vực ngoại thành có tốc độ đô thị hóa cao đang duy trì sĩ số 45-50 HS/lớp, có nơi đến 55 HS/lớp. Trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, sĩ số HS quá đông, người thầy gần như bị “trói chân” khi triển khai các phương pháp dạy học mới.

Ở góc độ khác, theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn giáo dục của nhiều hệ thống trường tư thục trên địa bàn TPHCM, giáo viên là mắt xích đầu tiên cần thay đổi trước khi đổi mới chương trình hay phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá HS. Bởi nếu quá tập trung vào quá trình thi công mà bỏ qua khâu chuẩn bị về con người thì đổi mới khó bền vững. Việc các trường đại học dè dặt đào tạo chuyên ngành tích hợp hay câu chuyện “con gà và quả trứng” một lần nữa bộc lộ điểm chênh giữa đào tạo sư phạm ở bậc đại học và phân bổ giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay.

* Ông NGUYỄN TÂN, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế: Gắn kết đào tạo sư phạm với trường phổ thông

Khó khăn lớn nhất khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là bố trí giáo viên dạy môn tích hợp. Hiện nay, hầu hết giáo viên dạy đơn môn được bồi dưỡng để chuyển sang dạy tích hợp. Nhiều trường gặp khó khi bố trí giáo viên dạy môn tích hợp ở cấp THCS do không có nguồn tuyển giáo viên. Mặt khác, do triển khai đồng thời 2 chương trình GDPT 2006 (khối 9, 12) và GDPT 2018 (khối 6, 7, 8, 10, 11) nên khó bố trí thời khóa biểu cho giáo viên dạy môn tích hợp. Để đảm bảo yêu cầu đổi mới, Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Trước mắt, cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo sư phạm tăng gắn kết với các trường phổ thông nhằm giải quyết nhu cầu ngắn hạn và dài hạn về tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên một cách chủ động, lộ trình hợp lý.

* Bà LÊ THỊ HỒNG ĐÀO, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương: Nhiều trở ngại khi giáo viên dạy đa môn

Hiện nay, môn Khoa học tự nhiên (tích hợp kiến thức 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) lớp 6 và 7, hầu hết kiến thức ở dạng tổng quát, một giáo viên có thể dạy cùng lúc 3 môn thành phần. Tuy nhiên, ở khối 8 và 9, lượng kiến thức nhiều hơn, đòi hỏi độ sâu nghiên cứu, giáo viên được bồi dưỡng cũng rất khó đạt hiệu quả giảng dạy, nhất là giáo viên lớn tuổi. Nhiều nơi đang áp dụng giải pháp tình thế là phần kiến thức môn nào thì phân công giáo viên có chuyên môn đó giảng dạy. Năm học 2023-2024, sĩ số trung bình ở trường tôi hơn 45 HS/lớp, cao nhất là khối 6 với hơn 50 HS/lớp gây nhiều trở ngại cho việc giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên. Đơn vị còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu thực hành, làm việc nhóm của HS khi triển khai các môn của chương trình mới do chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng kết quả dạy học của giáo viên... Như vậy, việc chưa chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, kiến thức cho đội ngũ giáo viên, điều kiện dạy học còn hạn chế là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảng dạy chưa như mong đợi.

Tin cùng chuyên mục