Phát minh công nghệ ngăn ngừa “đạo chích” ATM

Công nghệ “sinh viên”
Phát minh công nghệ ngăn ngừa “đạo chích” ATM

Khoảng thời gian cuối năm 2011, đầu năm 2012, hàng loạt các máy rút tiền tự động (ATM) liên tục bị kẻ gian phá hoại. Số tiền bị đánh cắp lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước thực tế đó, một nhóm sinh viên của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu và cho ra đời một hệ thống có khả năng phát hiện và báo hiệu khi có sự cố xảy ra. Mới đây, hệ thống đã đạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo KH-KT TPHCM năm 2013.

Sinh viên thử nghiệm hệ thống chống trộm ATM tại Phòng thí nghiệm Renesas - Đại học Bách khoa TPHCM.

Sinh viên thử nghiệm hệ thống chống trộm ATM tại Phòng thí nghiệm Renesas - Đại học Bách khoa TPHCM.

Công nghệ “sinh viên”

Một trong những thành viên nhóm nghiên cứu - bạn Nguyễn Viết Đáng, sinh viên khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính cho biết, trước khi lắp đặt buồng ATM, các ngân hàng đều tính đến việc bảo mật, từ khâu xây dựng két, chọn điểm đặt máy đến trang bị hệ thống nhận dạng người dùng…

Tuy nhiên, để quản lý số lượng ATM lên tới hàng ngàn chiếc trong cùng thời điểm không phải dễ. Chưa kể, các đối tượng trộm cắp thường hành động rất nhanh nên các ngân hàng khó trở tay kịp. Yêu cầu đặt ra phải có hệ thống phát hiện và báo động ngay tại chỗ để hạn chế thiệt hại.

Từ đó, nhóm nhanh chóng bắt tay thực hiện nghiên cứu. May mắn cho nhóm khi công nghệ chống trộm ATM đã manh nha phát triển tại Câu lạc bộ BKIT trong trường từ nhiều năm trước. Trên nền công nghệ đó, Đáng cùng các thành viên trong nhóm tiến hành lựa chọn và thay thế công nghệ cho phù hợp hơn với thực tế.

“Đầu tiên để tìm được giải pháp cho hệ thống báo động, tụi em phải tìm hiểu kỹ các hình thức đột nhập của kẻ trộm. Trên thực tế, các đối tượng này thường sử dụng các dụng cụ đơn giản như búa, xà beng, máy cắt, hàn khò... để cạy két ATM. Như vậy, sử dụng các cảm biến lúc này sẽ mang lại hiệu quả cao như cảm biến rung, cảm biến nhiệt, cảm biến ánh sáng và cảm biến mất nguồn. Khi phát hiện có kẻ gian xâm nhập, tùy từng loại tác động và cường độ tác động mà hệ thống sẽ đưa ra hình thức báo động. Có thể là còi hụ hoặc gọi điện, nhắn tin SMS…”, Đáng giải thích.

Nghiên cứu đã có, nhưng muốn ứng dụng cũng không phải dễ dàng. “Bản thân nhóm đã tiếp cận với một số ngân hàng với mong muốn được áp dụng thử. Tuy nhiên, có thể do yêu cầu bảo mật, nên các ngân hàng không chấp nhận. Không bỏ cuộc, nhóm chế tạo một mô hình ATM gần giống với máy ATM thật để test thông số. Sau vài tuần vận hành liên tục, mô hình vẫn hoạt động hiệu quả với độ chính xác cao”, bạn Hồ Ngọc Quang, thành viên của nhóm khẳng định.

Vượt khó để nghiên cứu

Dĩ nhiên, để đạt được độ ổn định và chính xác, các bạn trẻ phải thử nghiệm liên tục để tìm ra công nghệ tối ưu. Nhưng với “túi tiền” sinh viên có hạn, nhiều khi nhóm phải gác công việc trở lại để chia nhau lo gánh nặng cơm áo gạo tiền.

“Để tiết kiệm, với các thiết bị đơn giản, nhóm sẽ tự chế tạo. Riêng với các cảm biến cần độ chính xác cao, nhóm mới đặt mua từ nước ngoài. Ky cóp là vậy nhưng số tiền chi ra cũng gần 10 triệu đồng. Mà sinh viên lấy đâu ra một lúc số tiền lớn vậy. Nên có thời điểm, các thành viên phải chia nhau làm thêm mới đủ tiền trang trải nghiên cứu. Về sau, có sự giúp sức của các anh chị trong câu lạc bộ, khó khăn về kinh phí tạm được giải quyết”, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Nhận xét về hệ thống, thầy Phan Đình Thế Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ BKIT, hồ hởi, dù đây chỉ là sáng chế của các bạn sinh viên, nhưng hệ thống vẫn đạt sự ổn định. Đặc biệt, module GPRS/GSM nhằm tích hợp khả năng báo động thông qua điện thoại được các bạn nghiên cứu là không thua kém nhiều sản phẩm cùng chức năng đang được sử dụng tại Việt Nam. Nếu so về giá thành sản phẩm, module cũng rẻ hơn nhiều.

Đối với hệ thống, việc lắp ráp vô cùng đơn giản vì được thiết kế với thành phần chính là một bảng mạch nhỏ gọn. Chỉ cần lắp kèm với máy ATM mà không cần thay đổi các thiết bị đã có sẵn. Như thế, các ngân hàng vẫn đảm bảo được độ an toàn và tính bảo mật theo yêu cầu.

“Hiện nay việc đánh cắp tiền trong máy ATM không còn đơn giản là tác động trực tiếp bằng búa, máy hàn khò... như trước, nay loại tội phạm này đã sử dụng công nghệ thông tin để đánh cắp từ xa. Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để hệ thống có thể chống lại. Dù vậy, với sinh viên tụi em, nghiên cứu chính là học và trải nghiệm thực tế. Khi đó bản thân nhận ra những khiếm khuyết về kiến thức mà bổ sung; nhận ra những giá trị bạn bè để gìn giữ...”, Đáng cho biết thêm.

NGUYỄN NAM

Tin cùng chuyên mục