Gần 10 năm kiên trì và thực hiện quyết liệt các biện pháp để phát triển và quản lý chợ theo Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114 của Chính phủ, TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng.
Xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý chợ
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, trong 10 năm qua, TP đã ban hành nhiều văn bản pháp quy cụ thể hóa Nghị định 02, Nghị định 114 trên địa bàn, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý và phát triển hệ thống phân phối nói chung và chợ nói riêng như Quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2015; Quy chế đấu thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ loại 2 và 3; Quy định bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch; Đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020…
Theo quy hoạch, TP sẽ không xây dựng mới và giảm dần số lượng chợ tại khu vực trung tâm TP. Việc xây dựng chợ mới tại những khu vực khác chỉ thực hiện khi có nhu cầu thật sự của người dân. Đối với chợ đang hoạt động phù hợp với quy hoạch, TP sẽ tiến hành sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành hàng để phát huy tối đa công suất sử dụng, tiến hành bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định pháp luật. Đối với chợ sử dụng không hết công suất thiết kế, hoạt động kém hiệu quả và không thể cải thiện, TP xem xét chuyển đổi, mở rộng công năng hoặc sắp xếp, di dời sang các chợ khác. Hiện có 5 chợ đã thực hiện chuyển đổi công năng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và tránh lãng phí mặt bằng. Đối với những điểm, khu vực mua bán tự phát, thành phố kiên quyết giải tỏa.
Để các chợ hoạt động hiệu quả, TP đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác và quản lý chợ. Từ năm 2003 đến nay, đã có 63 chợ được xây dựng mới, chủ yếu tập trung tại các quận ven, huyện ngoại thành, trong đó có không ít chợ được xây dựng theo cách xã hội hóa. TP cũng tập trung chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ. Đến nay đã có 41 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình, trong đó có 31 chợ do HTX quản lý và 10 chợ do DN quản lý, thời hạn trúng thầu quản lý chợ từ 3 - 5 năm.
Hướng đến chợ văn minh, hiện đại, tiện ích
Triển khai thực hiện những chủ trương nói trên, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Công thương, các Sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện; trong đó phân cấp quản lý chợ cho UBND các quận, huyện. Vì thế vai trò của UBND các quận, huyện trong công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn được phát huy tối đa. Cụ thể, UBND các quận, huyện đã chủ động, tập trung chỉ đạo ban quản lý các chợ tăng cường tuyên truyền vận động tiểu thương kinh doanh tại các chợ thực hiện văn minh thương mại, công khai niêm yết giá cả, bán hàng bảo đảm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất; trực tiếp tổ chức và phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết.
TP đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giải tỏa các chợ tạm, chợ tự phát không phù hợp quy hoạch. Đây là công việc hết sức khó khăn, song với quyết tâm cao, quyết liệt trong thực hiện, kết hợp với việc hỗ trợ, tạo sự an tâm cho tiểu thương khi thực hiện giải tỏa, số chợ tạm, chợ tự phát giảm từ 229 chợ năm 2003 xuống còn 175 chợ. Song song đó, TP nâng cấp sửa chữa, phát triển xây dựng mới các chợ trên cơ sở đảm bảo cơ bản quyền lợi tiểu thương. Từ năm 2003 đến cuối năm 2012, TP đã cải tạo nâng cấp được 93 chợ các loại.
Để thực hiện được các nội dung này, lãnh đạo TP xác định, điều quan trọng là phải xây dựng ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, tiểu thương trong chợ vì họ chính là chủ thể để thực hiện. Chính vì vậy, TP thường xuyên quan tâm, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ quản lý chợ và kỹ năng bán hàng cho tiểu thương. Kết quả đã phối hợp trường Đại học Kinh tế thành phố đào tạo được 319 cán bộ quản lý và 4.073 tiểu thương của các chợ trên địa bàn 24 quận, huyện. TP đã chọn 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để thực hiện thí điểm mô hình chợ ATVSTP.
Theo Sở Công thương TPHCM, TP hiện có 187 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và 475 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, TP còn có hơn 6.400 điểm bán hàng trong chương trình bình ổn thị trường. Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới phân phối bán lẻ hiện đại và sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã tác động lớn đến mãi lực của chợ truyền thống. Tuy vậy, mạng lưới chợ truyền thống vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố trên từng địa bàn dân cư, là nơi tiêu thụ lượng lớn hàng hóa và qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.
TPHCM có tổng cộng 243 chợ đang hoạt động, gồm 17 chợ hạng 1 (chiếm 6,99%); 48 chợ hạng 2 (chiếm 19,7%) và 178 chợ hạng 3 (chiếm 73,25%). Trong đó, chợ do Nhà nước quản lý là 193 chợ (chiếm 79,2%); chợ do DN đầu tư xây dựng và quản lý là 21 chợ (chiếm tỷ lệ 8,64%); hợp tác xã quản lý 29 chợ (chiếm 11,9%). |
NGUYÊN PHƯƠNG - THÚY HẢI