Công nghệ môi trường Việt Nam còn vướng bốn rào cản. Đó là ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Ông Sinh hài ra 4 rào cản như sau: trước hết là nhận thức. Với môi trường là phải tính từ đầu chứ khi để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý thì rất tốn kém mà hiệu quả chẳng là bao. Thứ hai là kinh phí. Có những loại hình doanh nghiệp lẽ ra phải đầu tư tới 50% kinh phí cho xử lý chất thải, nhưng thực tế chẳng “anh” nào làm vậy. Thứ ba, cũng liên quan đến kinh phí, là việc mua các dây chuyền của nước ngoài. Dây chuyền của họ thường là “xanh”, có kèm với công nghệ môi trường cần thiết, nhưng ta thường tiết kiệm kinh phí, nên chỉ nhận chuyển giao một nửa! Và cuối cùng là thói quen.
Ngay cả ở đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội, không phải người dân nào cũng có ý thức vứt rác, xả thải đúng nơi quy định… Trong khi nước ta còn đang loay hoay với bốn rào cản này thì nhiều nước trên thế giới đã phát triển rất tốt các ngành công nghệ môi trường và loại hình ấy đã thu hút tới 5%-10% lực lượng lao động/mỗi nước, tạo ra giá trị mỗi năm hàng trăm triệu USD. Công nghiệp xử lý chất thải tại Singapore hiện có thể cung cấp đủ nguồn năng lượng cần thiết cho quốc đảo này.
Ở Việt Nam, tỷ trọng của ngành còn nhỏ, có thể nói là như một mảnh đất chưa được khai phá bao nhiêu, ông Sinh nói. Công nghệ môi trường, nói một cách nôm na là những công nghệ xử lý chất thải, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường; những sản phẩm sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, không độc hại cho môi trường… như vậy, đâu có quá khó để chúng ta ứng dụng? Vấn đề là nhà nước cần có một chính sách khuyến khích phát triển.
Bảo Vân