Phát triển công viên cây xanh là một trong những nhiệm vụ luôn được lãnh đạo TPHCM đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, đặc biệt trong quá trình biến đổi khí hậu như hiện nay. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong nhiều chương trình hành động và dự án cụ thể của thành phố. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ này vẫn rất chậm. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
Chỉ là cải tạo và nâng cấp
Báo cáo tổng kết năm 2010 của khối công viên cây xanh thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho thấy, việc phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố vẫn chủ yếu là tiếp tục… nâng cấp, cải tạo công viên cây xanh hiện hữu. Theo bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc chuyên trách công tác này của Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân cơ bản là nhiều dự án xây dựng công viên cây xanh hầu như không được ghi vốn đầu tư, trong đó bao gồm cả vốn để đền bù giải phóng mặt bằng và vốn cho công tác xây dựng. Trong rất nhiều trường hợp, khi phải quyết định đầu tư cho cây xanh hay các vấn đề đô thị khác như kẹt xe, ngập nước… người ta luôn chọn các dự án có tác dụng chống ùn tắc giao thông và ngập nước hơn dự án phát triển cây xanh. Một cán bộ Công ty Công viên Cây xanh TPHCM giải thích lý do ngành cây xanh ít được ghi vốn như thế.
* Hiện nay trên địa bàn TPHCM có khoảng 80.796 cây xanh, tăng 6.285 cây so với năm 2009. |
Tuy nhiên, trên thực tế, dự án Quy hoạch ngành công viên cây xanh TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, chậm thực hiện là do dự toán lập quy hoạch và nhiệm vụ của quy hoạch không được phê duyệt. Hay như dự án xây dựng Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi chậm thực hiện vì công tác đền bù giải tỏa... Hiện nay tại đây còn 27 hộ, 1 trường học và hàng trăm ngôi mộ chưa được đền bù vì thiếu kinh phí. Một số công viên có quy mô tập trung lớn từ 6 ha trở lên đã được phê duyệt theo quy hoạch phát triển cây xanh trước đây của TPHCM như Công viên Hồ Khánh Hội (quận 4), công viên phường 4 (quận 8)... cũng vì do không có kinh phí để xây dựng, nên theo bà Nguyễn Thị Hiền Lương, đã bị lấn chiếm gần hết.
Cũng có những ngoại lệ, đó là quận Gò Vấp. Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận cho biết, Công viên làng hoa Gò Vấp theo quy hoạch sẽ rộng 2,2ha, đã có một thời gian bị lấn chiếm gần hết nhưng nay quận đã quyết liệt giải tỏa được khoảng 1,6ha. Hay như Công viên Văn hóa rộng tới 37ha, quận đã nỗ lực giải tỏa được hơn 90% diện tích và đang chuẩn bị cho việc xây dựng công viên…
Một nguyên nhân khác, đó là tình trạng… không có đất dành cho cây xanh. Ở 13 quận, huyện nội thành, nhìn chung quỹ đất để phát triển, xây dựng mới công viên cây xanh còn rất ít. Thậm chí một số quận trung tâm như 1, 3, 5, 6, 10 hầu như không còn đất. Đã vậy, trong một số dự án phát triển khu dân cư mới còn có hiện tượng, nhiều chủ đầu tư cố tình nhập nhằng giữa diện tích đất dành cho cây xanh công cộng với đất dành cho các công trình công cộng khác như khu thể thao, khu văn hóa để rồi “biến hóa” đất dành cho cây xanh thành đất… có thể kinh doanh được như sân đánh tennis, sân bóng đá… (về nguyên tắc vẫn là đất dành cho công trình công cộng).
Ở các quận, huyện ngoại thành “đất rộng, người thưa” đáng lẽ phải còn đất cho phát triển công viên cây xanh, nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết (vì chưa có kinh phí như nêu ở trên) nên các quận, huyện cũng chưa có căn cứ để lập dự án xây dựng công viên cây xanh. Cuối tháng 10-2010 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố đã yêu cầu 24 quận, huyện báo cáo kế hoạch phát triển công viên cây xanh năm 2011, nhưng hiện mới chỉ có 11 quận, huyện trình kế hoạch. Các địa phương còn lại… không có ý kiến.
Cây xanh vẫn bị xâm hại
Đây không phải là hiện tượng mới song nó vẫn tồn tại dai dẳng mà chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Hàng loạt cây xanh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, đường Phan Đình Giót đã bị xâm hại và hầu hết những người có hành vi này chưa bị xử phạt thích đáng.
Bên cạnh thực trạng nêu trên, việc duy tu bảo dưỡng công viên cây xanh gần như chỉ được thực hiện khá tốt tại các quận trung tâm, công tác này chưa được thực hiện tốt ở 6 quận mới và 5 huyện ngoại thành. Nhiều công viên cây xanh ở đây (trồng trong các dự án xây dựng khu dân cư mới) được chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền địa phương đã bị xuống cấp hoặc bị chiếm dụng làm công việc khác. Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản lưu ý nhưng chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương.
Diện tích công viên cây xanh mới hầu như không được mở rộng thêm. Thậm chí, nhiều đơn vị trong ngành giao thông đã không thể trồng thêm cây mới như kế hoạch được giao vì vị trí để trồng cây đã bị các công trình xây dựng khác lấn chiếm. Đơn cử, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 chỉ trồng được 1.798/2.361 cây được giao do vị trí trồng cây vướng đường điện trên diện tích cũ, nhiều phần đã bị xuống cấp mà chưa được sửa chữa kịp thời. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nguy hiểm.
An Nhiên
* Tác dụng của hệ thống cây xanh đối với môi trường sống của con người đã được khẳng định từ lâu. Trước hết, đó là việc cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, hút khí CO2 và cung cấp khí O2, ngăn giữ các chất khí độc hại, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm cho đất và độ ẩm không khí thông qua việc hạn chế bốc hơi nước, kiểm soát gió và lưu thông gió. Đối với khu vực ngoại thành, cây xanh còn có tác dụng chống xói mòn, điều hòa mực nước ngầm. Trong khu vực nội thành cây xanh còn có tác dụng hạn chế tiếng ồn do các phương tiện giao thông cũng như hoạt động sản xuất khác của con người gây ra. Trong thời kỳ biến đổi khí hậu, vai trò của cây xanh lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với một đô thị có số lượng phương tiện giao thông nhiều như TPHCM, khói xe và khói thải ra từ các nhà máy công nghiệp sẽ làm nóng bầu khí quyển. Khí nóng, nhẹ và sẽ bốc hơi nhanh, có điều kiện, khí lạnh từ nơi khác sẽ tràn về gây mưa. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng đảo nhiệt. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, mưa tại TPHCM nhiều hơn, dữ dội hơn… chính là do hiện tượng đảo nhiệt nêu trên. Một hệ thống cây xanh tốt sẽ giúp hạn chế hiện tượng này bằng cách kiểm soát gió và lưu thông gió…
Ngược lại với công tác phát triển công viên cây xanh, công tác phát triển mảng xanh (là nhóm cây xanh trồng trên các dải phân cách của đường hoặc dưới dạ cầu…) trong thời gian qua tại TPHCM phát triển khá tốt với khoảng 136.570m² tăng thêm. Trong đó có 18.927m² mảng xanh được hình thành từ những cây xanh được trồng trên các dải phân cách đường, 10.854m² mảng xanh là từ các cây xanh được trồng dưới dạ cầu, 106.789m² cây xanh trồng ở các khu đất công cộng. Đây là kết quả của việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM về việc thực hiện chủ đề “Năm 2010 -năm thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị”. Theo nội dung này, các địa phương phải lựa chọn và thực hiện tăng cường mảng xanh trên các vỉa hè từ 5-10 tuyến đường trên địa bàn. Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và góp phần đóng góp rất lớn vào việc gia tăng diện tích mảng xanh cho thành phố. Điều này đã góp phần rất lớn vào việc tạo mỹ quan đô thị và góp phần tăng thêm diện tích thấm nước cho thành phố. Cũng có không ít địa phương không tích cực, họ không làm kế hoạch phát triển mảng xanh hoặc có làm nhưng không làm kế hoạch triển khai như quận Tân Bình, Gò Vấp… Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, cây xanh trồng trong các dải phân cách, dưới dạ cầu… không thể là những cây lớn. Do vậy, tác dụng của nó đối với môi trường và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu là không lớn. Các mảng xanh này chủ yếu chỉ làm tăng mỹ quan đô thị, góp phần thẩm thấu nước khi có mưa xuống như đã nói trên… Vì thế, việc phát triển các công viên cây xanh lớn vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển mảng cây xanh cho TPHCM. Sơn Lam
Năm 2011, toàn TPHCM dự kiến trồng mới hơn 15.000 cây xanh và đầu tư xây dựng thêm 486.505m² mảng xanh, cải tạo, nâng cấp 400.000m² công viên. Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải, hàng loạt các nút giao thông như nút Tân Kiên, nút giao thông Cát Lái, dọc tuyến đường Đại lộ Đông-Tây cùng các dạ cầu của những cây cầu như Chà Và, Nguyễn Tri Phương, cầu Kênh Ngang, cầu Lò Gốm… sẽ được trồng cây xanh để tạo cảnh quan. S.L. |