Phát triển đặc khu kinh tế cần một thể chế vượt trội

Ngày 20-3, hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội đã khai mạc tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, với sự tham gia của gần 400 đại biểu trong và ngoài nước.

Ngày 20-3, hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội đã khai mạc tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, với sự tham gia của gần 400 đại biểu trong và ngoài nước.

Chưa có đặc khu kinh tế đúng nghĩa

Đây là nhận định đáng lưu ý được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra ngay trong lời phát biểu khai mạc hội thảo. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù việc xây dựng các đặc khu kinh tế (ĐKKT) đã được Trung ương Đảng, Quốc hội đưa vào các văn kiện từ 20 năm trước, nhưng đến nay việc thành lập các khu kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Các vấn đề như lựa chọn địa điểm, các ưu tiên phát triển, thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, vai trò của người đứng đầu, cơ chế chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư… rất cần được làm rõ để có thể phát triển các ĐKKT thật sự.

Đồng quan điểm này, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết, ĐKKT là nơi thử nghiệm các thể chế, chính sách mới trước khi áp dụng cả nước. Thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất nên so với các khu thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới vẫn chưa đủ sức cạnh tranh. Ở các khu kinh tế hiện tại hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Một số nhà đầu tư đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại.

Chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển

Khẳng định chủ trương tiếp tục phát triển các ĐKKT, ông Vương Đình Huệ cho biết, luật về ĐKKT (hoặc luật về đặc khu hành chính - kinh tế), đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII. Các ý kiến tại cuộc hội thảo cũng cho rằng, yếu tố then chốt để các ĐKKT ra đời và đạt hiệu quả cao là phải xây dựng và ban hành các thể chế hành chính và kinh tế theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các ĐKKT đã hình thành trên thế giới. Trong đó, cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài phải được xem trọng... Sự cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề mà họ quan tâm có tầm quan trọng quyết định. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công là xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các ĐKKT và quảng bá rộng rãi tới các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có ảnh hưởng và sức mạnh tài chính, công nghệ.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nhận xét, các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia cần một thể chế vượt trội so với chuẩn mực của thế giới, chứ không chỉ là so với chuẩn Việt Nam. Điều này giải thích một phần lý do tại sao các khu kinh tế của ta vẫn chỉ thu hút được những nhà đầu tư quy mô vừa phải, chủ yếu tận dụng những lợi thế trực tiếp, chứ chưa có những tên tuổi hàng đầu thế giới, hàng đầu châu Âu, Mỹ. Ở Việt Nam, những cửa mở ra thế giới, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu... là những điểm có lợi thế để áp dụng mô hình ĐKKT. Tạo được sự bứt phá mạnh mẽ của các vùng này, tính lan tỏa sẽ rất lớn.

Tại cuộc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết, thông qua hội thảo, Quảng Ninh muốn gửi thông điệp về khát vọng xây dựng một ĐKKT Vân Đồn, có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa có đủ cơ chế, chính sách hấp dẫn để phát triển.

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các Khu kinh tế (KKT), khu kinh tế cửa khẩu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 18 KKT, trong đó có các KKT ven biển, gồm: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, Định An và Năm Căn. Đến hết năm 2011, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là gần 250.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong nước chiếm khoảng 30%, vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70%. Các KKT ven biển đã thu hút được hơn 31 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gần 564.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2011, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20.000 tỷ đồng, thu hút 30.000 lao động.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục