Khách quốc tế đến Việt Nam (VN) tháng sau cao hơn tháng trước và năm sau lại luôn cao hơn năm trước. Đà tăng trưởng khách quốc tế đang làm nức lòng ngành du lịch. Tuy nhiên, với doanh nghiệp (DN) du lịch và du khách, du lịch VN vẫn còn một sức ì quá lớn, cần đột phá nhanh chóng để thay đổi.
Số đông thì mặc... số đông!
Việc UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long ngay sau khi người dân cả nước, đông đảo bạn bè quốc tế hừng hực niềm tin, không tiếc tiền của để nhắn tin, bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vẫn còn là vấn đề âm ỉ trong dư luận.
Nhiều người chua chát cho rằng, đó là “lời cảm ơn” đắt giá nhất tỉnh Quảng Ninh dành cho những người yêu quý, bầu chọn vịnh Hạ Long! Cho đến nay, dù nhận nhiều phản ứng gay gắt từ người dân, các DN du lịch và cả đề nghị của Tổng cục Du lịch về việc ngưng tăng giá vé nhưng sự việc vẫn chìm trong im lặng, chưa có phản ứng tích cực nào cho tiếng nói của số đông.
Câu chuyện tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long chỉ là một vấn đề tiêu biểu trong vô vàn xung đột, bức xúc đang diễn ra trong ngành du lịch VN hiện nay. Những bức xúc trên không được giải quyết thỏa đáng, kéo dài thời gian đã gây ra căn bệnh lãnh cảm trong những người làm du lịch. Cơ quan quản lý ngành ở địa phương chẳng làm gì được DN. Cơ quan đầu ngành cũng chẳng có tiếng nói gì với các địa phương.
Vịnh Hạ Long tăng giá thì những nơi khác cũng có thể tăng giá. Chẳng có ai cầm chịch, răn đe. Dù là tiếng nói của số đông nhưng cũng trở thành công cốc, chẳng tin, chẳng chờ… Kết quả là mạnh ai nấy làm, ăn xổi, chụp giựt tới đâu thì hay tới đó!
Nhiều người dân, DN du lịch bức xúc, VN có quá nhiều cảnh đẹp, chẳng thua, thậm chí hơn hẳn các nước nhưng sau khi đi về lại thấy tiếc nuối cho du lịch nước mình. Chẳng lẽ du lịch VN cứ khai thác mãi “của trời, của đất”? Nếu không đầu tư, cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng rồi cũng lụi tàn. Du lịch VN thiếu sự đầu tư bài bản, sự gắn kết và quan trọng là thiếu hành động cụ thể, dứt khoát cho chiến lược phát triển du lịch từ cơ quan đầu ngành. Chiến lược cho 20, 30 năm tới… có, mục tiêu từng giai đoạn… có, nhưng làm như thế nào, hiệu quả tới đâu thì tùy vào nhận xét, đánh giá chủ quan của mỗi người!
Nói mãi... vẫn chưa xong
Đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - đơn vị đầu ngành của du lịch VN bức xúc, nhiều năm nay, trong tất cả các cuộc họp, DN này liên tục đề xuất những ý kiến cụ thể, đi sát với DN như chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu đối với xe chuyên dùng cho vận chuyển khách du lịch từ 30 chỗ ngồi trở lên; giảm thuế VAT cho các DN khách sạn, du lịch xuống còn khoảng 5%-7% vì mức 10% của VN hiện nay cao hơn các nước trong khu vực và thế giới; có chính sách hoàn thuế VAT cho khách du lịch tại cửa khẩu sân bay để khuyến khích du khách chi tiêu mua sắm. Đến nay, với lý do liên quan đến nhiều bộ, ngành nên tất cả kiến nghị trên vẫn chưa được giải quyết.
Du lịch cũng được xem là một ngành xuất khẩu tại chỗ. Trong khi, những ngành khác được dành nhiều chính sách ưu đãi thì DN du lịch vẫn vô vọng chờ đợi xem xét. Ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh và đầu tư - Công ty CP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn nhận xét, chính sách, chủ trương lớn từ nhà nước cho du lịch có, quyết tâm phát triển du lịch tràn đầy nhưng địa phương không làm. Các chính sách ưu đãi đầu tư có nhưng cần phải tập trung, đừng dàn trải.
Cụ thể, nếu đầu tư cho các công trình du lịch DN sẽ được miễn, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị xây dựng… Điều kiện, đời sống phần lớn người dân trong nước chưa cao, nên có chính sách miễn phí hoặc phí tượng trưng ở một số điểm du lịch. Đây là điều nhiều nước đã làm. Ngay như vịnh Hạ Long, nếu trước đó có sự đầu tư, tôn tạo nâng cấp dịch vụ thì việc tăng giá vé sẽ không gặp nhiều phản ứng như vậy.
Để du lịch phát triển cần nhiều yếu tố: con người, hạ tầng, hàng không, dịch vụ… Câu chuyện về vé máy bay đã nóng bỏng trong thời gian qua, việc tăng giá vé may bay trong nội địa đang đẩy du lịch VN ngày một xa hơn về cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hạ tầng dù vẫn còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại còn yếu kém nhưng khách sạn, resort, nhà hàng cũng phần nào tươm tất. Cái lo, yếu và thiếu nhất của du lịch VN hiện nay là dịch vụ và nhất là dịch vụ giải trí, mua sắm để du khách xài tiền!
Không có chỗ cho du khách xài tiền
Giám đốc một DN du lịch lớn tại VN đưa ra bài toán, du lịch VN đang chú trọng đầu tư nhiều vào hạ tầng nhưng lại bỏ quên dịch vụ cho du lịch. Trong du lịch, hạ tầng, hàng không đóng góp 30% lợi nhuận, dịch vụ giải trí, mua sắm mang lại 70%. Tăng trưởng của phần 70% sẽ có lợi hơn rất nhiều so với 30%. Các nước đầu tư rất nhiều cho phần giải trí, dịch vụ, mua sắm vì đó mới chính là cỗ máy “moi” tiền du khách.
Ngành du lịch Thái Lan đã áp dụng triệt để bài toán này, họ thu hút khách du lịch bằng tour giá rẻ và có cách thu tiền của du khách cho đến khi ra tận cửa máy bay! Còn tại VN, du khách không biết xài tiền ở đâu, ngay cả TPHCM - trung tâm kinh tế, du lịch lớn của cả nước, không có hoạt động giải trí sau 12 giờ đêm.
Du lịch đóng góp 6% GDP của đất nước và nhà nước cũng đã xác định du lịch sẽ là một trong những mũi nhọn kinh tế đất nước trong thời gian tới. Thế nhưng, hành động cụ thể cho mục tiêu này vẫn còn chậm chạp. DN du lịch chưa dám trông chờ động tác nào lớn lao hơn, chỉ mong những kiến nghị thực tế, đã tồn tại gây khó khăn cho DN trong nhiều năm qua được tháo gỡ. Làm được như thế cũng là đột phá lắm rồi!
Mỹ Hạnh